“Mẹ hiền” của học sinh bán trú

08:30 AM 21/11/2014 |   Lượt xem: 2498 |   In bài viết | 

Giáo viên kiêm “cô nuôi”

Nói về khó khăn trong công tác bán trú cho học sinh dân tộc, ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: “Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất và đời sống, chất lượng cán bộ thì khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành là chưa có nhân viên phục vụ học sinh bán trú. Các Trường Dân tộc bán trú phải nuôi dạy học sinh ăn và ở tại trường, không có biên chế nấu ăn thì thầy cô giáo phải chia phiên vào bếp nấu, chăm sóc các em”.

Ông Hán chia sẻ thêm: “Chúng tôi biết, giáo viên ngoài chuyên môn phải gánh thêm trách nhiệm vào bếp nấu ăn và phục vụ các em vừa mệt nhọc, mất thời gian, ảnh hưởng đến chuyên môn dạy học, nhưng hiệu quả lại không bằng nhân viên đúng ngành, đúng nghề phụ trách. Biết thế, nhưng do điều kiện tỉnh nghèo, khó khăn thì lãnh đạo tỉnh phải sắp xếp cái gì nên làm trước, cái nào đành để lại sau, ngành cũng đành động viên giáo viên cố gắng khắc phục”.

Có mặt tại Trường PTDT bán trú THCS Ka Lăng, tận mắt chứng kiến các thầy, cô giáo nuôi dạy các em, tôi mới thấm thía câu nói “cô giáo như mẹ hiền”. Cuối giờ sáng, hết tiết dạy thầy lại vào bếp loay hoay, nấu nướng, chia từng phần để các em ăn. Sau khi các em ăn, dọn dẹp xong xuôi thì thầy cô mới lo cho mình. Buổi chiều, giáo viên tổ chức ôn bài, phụ đạo, nhân viên kế toán và y tế cùng một số thầy cô giáo, học sinh chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Buổi tối, các em tập trung về lớp sinh hoạt, ôn bài, củng cố kiến thức. Về khuya, giá lạnh, khi các em tròn giấc thì thầy giáo, cô giáo trực bán trú mới về phòng, soạn trang giáo án mới chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai.

Thầy Lù Phạm Xè, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Ka Lăng tâm sự: “Là giáo viên vùng cao biên giới như xã Ka Lăng, giáo viên phải có tâm huyết, yêu học sinh và lo lắng cho các em như người cha, người mẹ. Các em từ xa về trường, hoàn cảnh khó khăn, không người thân nên rất cần sự quan tâm, gần gũi và chăm sóc yêu thương của thầy cô giáo. Đó là động lực để các em gắn bó với trường với lớp, không chán nản rồi bỏ về nhà”. Theo thầy hiệu trưởng, trường hiện có 120 em ở bán trú, 10 học sinh không đủ điều kiện bán trú nên đang ở nhờ nhà dân. Điện lưới chưa có, thầy cô giáo góp mỗi người ít tiền mua dầu chạy máy nổ, phát điện thắp sáng để các em học bài buổi tối.

Chế độ bán trú của mỗi học sinh được 420.000 đồng/tháng, vì giá cả vùng biên đắt đỏ nên thức ăn còn thiếu. Thầy cô giáo, học sinh cùng cải tạo đất trống, vun luống trồng rau xanh, dựng chuồng nuôi gà và lợn. Rau xanh cải thiện bữa ăn từng ngày, lợn gà thì dịp lễ Tết mổ tổ chức liên hoan, thầy và trò cùng vui vẻ, đầm ấm. Những khó khăn, vất vả của thầy cô giáo cũng được sẻ chia và thầy cô có thêm động lực để phấn đấu, cống hiến.

Ăn đúng, hợp vị

Cơ sở vật chất thiếu thốn thì có thể khắc phục được, cả thầy cô, học trò cố gắng vượt khó, nhưng để nuôi học sinh từ miếng ăn đến giấc ngủ đảm bảo là việc không phải dễ. Muốn dạy tốt, nâng cao chất lượng thì trước hết phải nuôi tốt. Nuôi thế nào? Theo ông Đỗ Văn Hán, trước hết là nuôi ăn, phải đủ dinh dưỡng, thời điểm ăn sao cho đúng và khẩu vị phải phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc.

Ví dụ, học sinh người Mông cho ăn nước mắm ngon đến mấy thì cũng bằng không, còn muối ớt lại là món khoái khẩu. Ngành đã triển khai hội nghị và nói với các hiệu trưởng từng việc nhỏ, mong muốn nuôi học sinh tốt để các em đến trường bằng đôi chân của mình, chứ không phải mang xe máy đến nhà để đón. Tạo cho các em động lực để đến trường, ở trường ăn ngon hơn ở nhà, chơi vui và an ninh hơn ở nhà. Tạo cơ hội, thời gian, địa điểm và giải thưởng cho các em chơi lành mạnh, nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội, vận động của các em. Đến trường ăn khổ, buồn hơn ở nhà thì đến trường để làm gì…

Ông Hán khẳng định: Mô hình bán trú của tỉnh Lai Châu được Bộ GD & ĐT đánh giá tương đối tốt, nhưng hiện nay Sở vẫn chưa yên tâm ở chỗ một số trường nuôi các cháu chưa được. Sở chỉ đạo vấn đề này rất ráo riết, nhưng các trường thực hiện chưa đạt như: nấu ăn chưa quan tâm đến an toàn thực phẩm, thứ hai là do nguồn nước. Cụ thể như năm 2013 ở trường PTDT bán trú THCS Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, cô giáo mua cá khô không có địa chỉ rõ ràng, không có cam kết nên để xảy ra việc hơn 40 em học sinh bị ngộ độc thức ăn. Nhờ cứu chữa kịp thời nên không ảnh hưởng nghiêm trọng gì. Huyện nào cũng có trường làm tốt, trường làm chưa tốt, nhưng cuối năm học trước, Sở có đi kiểm tra thì có khoảng 40% các trường bán trú chưa đạt trong việc nuôi dạy học sinh và nâng cao hiệu quả công tác bán trú.

Có những câu chuyện rất vui, học sinh bảo không đi học vì vất vả lắm, gạo đưa về cả gia đình ăn, tiền thì bố bỏ túi tiêu. Phụ huynh ra quán uống rượu chịu, chủ quán hỏi tiền đâu thì trả lời, mấy bữa nữa nhận tiền lương của con tao trả, con tao đi học phổ thông có lương. Nói về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hán xót xa nói: Chúng tôi chỉ đạo các trường, tăng cường tuyên truyền để phụ huynh hiểu đây là chế độ nuôi dạy các em, nhà trường nhận về và có trách nhiệm nuôi dưỡng các em khi về trường học bán trú, không phải tiền để bố mẹ nhận về ăn tiêu. Nhà xa trường nên phải học bán trú, nhu cầu đó thì phải xây dựng trường, nhưng chỗ ở rất thiếu, cùng với chỗ ở học sinh thì điều kiện cuộc sống của các em rất khó khăn, học sinh dưới xuôi có thể dễ dàng mang bộ chăn màn đến trường, còn trên này không có mà mang đến, thậm chí nhà trường phát còn mang về nhà cho bố mẹ, mấy em đắp chung một cái chăn.

Sở GD & ĐT tỉnh Lai Châu cho biết, hiện toàn tỉnh có 39 trường PTDT bán trú, gọi là bán trú nhưng bản chất là nội trú, bán trú là ở nửa ngày nhưng do các em ở xa nên phải ở trường hàng tuần, vài ba tháng mới về nhà. Ông Đỗ Văn Hán cũng kiến nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục vùng cao, đầu tư cơ sở vật chất như: lớp học, nơi ăn, chỗ ở cho giáo viên và học sinh, trang thiết bị phục vụ cho đời sống bán trú. Cho phép tuyển biên chế nuôi dưỡng các em học sinh ở bán trú, còn các vấn đề khác thì bản thân ngành cũng làm được không cần trông chờ Nhà nước… 

Bài và ảnh: Việt Hoàng (Nguồn: baotintuc.vn)