Vượt khó bám trường, bám bản

10:43 AM 10/11/2014 |   Lượt xem: 1829 |   In bài viết | 

Tốt nghiệp trường Sư phạm 7 + 2 Hà Giang năm 1978, khi mới tròn 18 tuổi, cô Hạnh tình nguyện lên dạy học ở huyện Đồng Văn (Hà Giang). Sau đó, cô về giảng dạy ở nhiều trường khác nhau trong tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Từ năm 2012 đến nay, cô công tác tại trường tiểu học Minh Phú, huyện Hàm Yên. Tất cả những nơi cô Hạnh từng công tác đều là những địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, nhưng ấn tượng với cô nhất là quãng thời gian cô được phân công về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Lâm 1, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vào năm 2004.

Cô Hạnh cho biết: Yên Lâm là xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, có tới 85% số dân là đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao; nhận thức của nhiều phụ huynh về việc cho con em đi học để biết chữ và công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế. Không những vậy, cơ sở vật chất của trường hết sức khó khăn, trường lớp xập xệ, điện, nước không có; tỷ lệ học sinh ra lớp rất thấp, số học sinh yếu kém nhiều.Để duy trì sĩ số học sinh đến trường ở vùng sâu Yên Lâm lúc đó không phải là việc dễ. Cô giáo Hạnh và đồng nghiệp đã tìm nhiều phương pháp để “giữ chân” các em.

Cô Hạnh và nhiều thầy cô giáo đã đi đầu trong việc học và nói tương đối thành thạo tiếng dân tộc Mông để giao tiếp, vận động học sinh đến trường, đồng thời để vận dụng trong quá trình giảng dạy, giúp học sinh dễ hiểu bài; đồng thời tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Cô Hạnh và các thầy cô giáo trong trường chú trọng thực hiện tốt “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, tạo mối quan hệ mật thiết với các già làng, trưởng bản để cùng vận động nhân dân tạo chăm lo đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo việc học tập của học sinh. Bên cạnh đó, thường xuyên phát động các phong trào từ thiện để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: Tặng quần áo, đồ dùng học tập, cặp sách... ; thực hiện tốt phong trào “Hũ gạo tình thương"...

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cô giáo Hạnh và toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh trong nhà trường rất tâm huyết và hưởng ứng phong trào này, nhờ vậy khung cảnh trường tiểu học Yên Lâm I trước đây và trường tiểu học Minh Phú (nơi cô công tác hiện nay) đã có những thay đổi rất lớn. Những khóm hoa, cây cảnh, cây bóng mát... được các em học sinh vun xới, chăm sóc khiến ngôi trường luôn xanh, sạch, đẹp.

Trong quá trình công tác, cô Hạnh đã có nhiều sáng kiến được đánh giá cao như: Một số biện pháp xây dựng trường tiên tiến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học phấn đấu 100% học sinh trường tiểu học Yên Lâm I đạt chất lượng học lực đạt từ trung bình trở lên...

Bà Trần Thị Cúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên nhận xét: Cô Sài Thị Hạnh là một trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu của huyện vùng cao Hàm Yên. Cô nhiệt tình, hăng say vì những “mầm non” - thế hệ trẻ tương lai. Trong những năm công tác, dù ở cương vị nào (giáo viên, quản lý) cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đều để lại dấu ấn của mình. Những đóng góp của cô Hạnh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở những địa phương vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên. Cô Hạnh xứng đáng với lòng tin yêu, tín nhiệm của nhân dân những nơi cô công tác.

Cô giáo Hạnh tâm sự: Nhiều năm gắn bó với các bản làng ở vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện vật chất rất thiếu thốn, nhưng mỗi ngày lên lớp, các em học sinh người Mông, người Dao... hồn nhiên, thích thú nghe bài giảng chính là động lực khiến tôi say mê, gắn bó với nghề giáo hơn.

Với những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, cô Sài Thị Hạnh nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2008, cô được được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Năm 2012, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Vũ Quang Đán (Nguồn: baotintuc.vn)