Quốc hội thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

10:41 AM 07/11/2014 |   Lượt xem: 2530 |   In bài viết | 

Đa số đại biểu đánh giá, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản khắc phục những bất cập của Luật sĩ quan hiện hành theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy tinh nhuệ từng bước hiện đại.
 
Góp ý cụ thể về các quy định trong Dự thảo, về phụ cấp nhà ở, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo về việc sĩ quan quân đội được hưởng phụ cấp nhà ở, hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đảm bảo nhà ở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách hiện nay quy định rộng rãi đối tượng được hưởng về phụ cấp nhà ở sẽ khó khả thi, do vậy cần hướng tới những đối tượng được ưu tiên như những người làm nhiệm vụ ở các khu vực khó khăn, nguy hiểm.
 
 Đồng tình với quan điểm này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, trong điểm 7 Điều 31 sửa đổi theo hướng sĩ quan quân đội được luân chuyển, được điều động đến công tác ở những địa bàn khó khăn, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia chiến đấu, và sẵn sàng chiến đấu theo yêu cầu nhiệm vụ thì bản thân gia đình được xét phụ cấp hỗ trợ về nhà ở, vị trí công tác của người thân được đảm bảo nhà công vụ theo quy định.
 
Thảo luận về quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng tại Dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị cân nhắc không quy định cụ thể mà để văn bản pháp luật khác quy định.  
 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc quy định số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng không mâu thuẫn với thẩm quyền quy định biên chế của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với phương án 1 của Dự thảo Luật quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng ngay trong Luật. Theo đại biểu việc quy định ngay trong Luật chứ không quy định giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề này như phương án 2 sẽ góp phần giảm tải công việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, giảm thủ tục hành chính và cơ chế xin - cho.
 
Theo quy định của Dự thảo mới, số lượng cấp tướng trong Quân đội giảm 3,1% so với luật hiện hành. Vấn đề này nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.
 
Theo ĐB Nông Thị Lâm (Lạng Sơn), Dự thảo Luật đã bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với một số chức vụ là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ở một số vị trí lại không có quân hàm Thiếu tướng, cần phải nghiên cứu, xem xét như Chủ nhiệm Khoa Mác – Lênin, Học viện Quốc phòng. ĐB Nông Thị Lâm cho rằng, đối với khoa Mác – Lênin những nội dung được học là tầm chiến dịch, chiến lược, những kiến thức trang bị cho học viên là thế giới quan, phương pháp luận, tư duy ở tầm chiến lược, chiến dịch, vì vậy đòi hỏi Chủ nhiệm khoa phải là cấp tướng để bảo đảm vị trí, tầm quan trọng. Mặt khác, việc giáo dục tư tưởng Mác – Lênin ở cấp Đại học hiện nay chưa được quan tâm, vì vậy, việc bỏ quân hàm Thiếu tướng đối với Chủ nhiệm Khoa Mác – Lênin là vấn đề khá “nhạy cảm” hiện nay.
 
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng: Khi mà vẫn lấn cấn giữa việc phong thăng cấp hàm sĩ quan giữa chế độ đãi ngộ với yêu cầu nhiệm vụ thì rất khó, trong Dự thảo lần này cần xác định rõ phong thăng cấp để đảm bảo xây dựng chính quy từng bước hiện đại chứ không phải vì chế độ chính sách.
 
 ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) nhấn mạnh: Trong quá trình nghiên cứu việc không thăng quân hàm cấp tướng cần phải kế thừa kinh nghiệm lịch sử để xây dựng quân đội và công an có số lượng hợp lý, bảo đảm giữ được chất lượng, vị thế và uy tín của tướng lĩnh, phù hợp với tổ chức lực lượng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia và an toàn xã hội, bảo đảm sự cân đối giữa cơ quan và đơn vị quân đội và công an, không nhất thiết quân đội có tổ chức nào có sĩ quan cấp tướng thì công an phải có tổ chức tương ứng và ngược lại, mà cần phải xem chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan này để có quyết định đúng đắn.
 
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi)./.

Thu Hằng (Nguồn: CPV)