Giải pháp thực hiện tốt các chính sách dân tộc ở tỉnh Đăk Nông
10:05 AM 30/10/2014 | Lượt xem: 4551 In bài viết |Phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương nhất quán, là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn và các Chính sách dân tộc giai đoạn 2004-2014, khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước theo quan điểm vấn đề dân tộc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa là cấp bách trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Qua 10 năm thực hiện các chương trình, chính sách đối với
vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các quyết định của Chính phủ, cùng với sự
quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các cấp,
các ngành và nhân dân các dân tộc, tỉnh Đắk Nông đã đạt nhiều thành tựu to lớn
trên nhiều lĩnh vực. Các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần từng bước
ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số
vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng thiết yếu đựơc
xây dựng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản
xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân
tộc trong việc giao thông đi lại, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá làm
thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xoá đói giảm
nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Nông hàng năm
giảm nhưng còn chậm và thiếu bền vững, cao hơn mức bình quân của cả nước (9,6%)
và của khu vực Tây Nguyên (15%). Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
giảm bình quân hàng năm là 6,47%.
Cùng với việc phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng
đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục xây dựng và phát triển. Thiết chế văn hóa cơ
sở và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được đầu tư, bảo tồn và phát
triển, hệ thống bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được mở rộng,
công tác giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm đều tăng
về số lượng và chất lượng.
Tỉnh đã đầu tư xây dựng 234 nhà văn hoá cộng đồng, hình thành 38 đội văn nghệ
dân gian, 12 đội thông tin lưu động. Không gian cồng chiêng, và nhiều hoạt động
văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được khôi phục,
bảo tồn và phát huy.
Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí và nâng cao chất lượng giáo học sinh dân
tộc thiểu số từ năm 2004 đến nay tỉnh đã bố trí ngân sách địa phương là 33,59 tỷ
đồng. Từ năm 2004 đến nay đã cử tuyển, đào tạo nhân lực y tế được 568 học sinh
vào học tạo các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, bố trí sử dụng được 169
sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Cùng với công tác cử tuyển đào tạo đến
nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 750 sinh viên dân tộc thiểu số đang học tại
các trường trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong cả nước.
Chương trình cấp thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số
vùng khó khăn đảm bảo, từ năm 2006 đến năm 2013 đã cấp được 1.152.203 thẻ khám
chữa bệnh.
Hệ thống chính trị cơ sở trong đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được kiện
toàn tăng cường cả về số lượng và chất lượng, công tác đào tạo, tuyển dụng, bổ
nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số được coi trọng. Hiện nay toàn tỉnh có
1.290 cán bộ dân tộc thiểu số trên tổng số 15.193 cán bộ, công chức, viên chức,
chiếm 8,4%. Trong đó, cán bộ, công chức hành chính: cấp tỉnh: 55/1.257 người,
chiếm 4,37%; cấp huyện: 73/752 người, chiếm 9,7%; cấp xã (bao gồm chuyên trách
và không chuyên trách): 423/2.450 người, chiếm 17,26%. Trong các đơn vị sự
nghiệp có 793 người/10.734 người chiếm 8,88%. Tỉnh đã xây dựng đề án quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số. Cụ thể: cấp tỉnh: 49 đồng chí;
cấp huyện: 156 đồng chí; cấp xã, phường, thị trấn: 113 đồng chí.
Công tác an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được củng cố và giữ
vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, việc triển khai thực hiện
các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn
chế. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chủ trương, đường lối của Đảng,
chương trình, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc chưa thực sự phát huy
hiệu quả dẫn đến người dân chưa nắm bắt được yêu cầu, chưa hiểu rõ mục đích và
nội dung chính sách, một bộ phận trong đồng bào vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại,
chưa chủ động nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.
Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp còn yếu, nhất là cấp cơ sở
chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Hơn nữa, còn thiếu cán bộ dân tộc thiểu số,
nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở cấp
tỉnh, cũng như cấp huyện.
Nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
còn hạn chế và đầu tư dàn trải, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vốn cho khuyến
nông, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ còn quá ít, nên chưa đáp ứng được
việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế ứng dụng công
nghệ cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ nghèo trong đồng bào dân
tộc thiểu số còn cao, số hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững. Các chính sách,
chương trình, dự án triển khai còn chậm, bảo hiểm y tế chưa kịp thời, cơ sở hạ
tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển…
Bởi vậy, để việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh
ngày càng có chiều sâu và hiệu quả, trong thời gian tới các cấp, ngành chức năng,
địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ
trương, quan điểm, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về
công tác dân tộc. Tập trung tuyên tuyền có trọng điểm, nhất là việc tuyên dương,
nêu gương người tốt, việc tốt; các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi là người
dân tộc thiểu số, nhân các ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội sum họp của đồng
bào các dân tộc, phát huy dân chủ ở cơ sở. Phương pháp và nội dung tuyên truyền
cần được đổi mới theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì,
tế nhị; và thực hiện tốt phong cách: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có
trách nhiệm với dân.
Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với
công tác dân tộc, xem việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng là
nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng. Chú trọng
công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác
dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Các sở, ban ngành và các cấp uỷ, chính
quyền địa phương phải xây dựng qui hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm để đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số về trình độ học vấn, lý luận chính
trị và chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút số trí
thức trẻ mới ra trường về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện lồng ghép được nguồn vốn của các chương trình, chính sách trên cùng
một địa bàn để đảm bảo các nguồn vốn thực hiện đầu tư mang lại hiệu quả để tập
trung phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện thuận lợi
và có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở chế biến nông,
lâm nghiệp ở vùng đặc biệt khó khăn. Các dự án đầu tư trên địa bàn phải gắn với
giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong
vùng dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách,
chương trình, dự án; cùng với việc hỗ trợ của Trung ương, chủ động huy động các
nguồn lực hợp pháp và tổ chức lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế - xã
hội, các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh để thực hiện đầu tư
hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.
Ưu tiên đầu tư phát triển văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp
tục thực hiện các chính sách đã ban hành ở các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đẩy
mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng bon, buôn, gia đình văn hóa.
Chú trọng việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá
tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội,
hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc thiểu số tại chỗ; hỗ trợ xây dựng,
khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc
thiểu số. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục ở vùng dân tộc
thiểu số, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. xây dựng các trường bán trú;
phát triển giáo dục mầm non trong vùng dân tộc thiểu số; tổ chức dạy tiếng phổ
thông ngay từ lớp mầm non và mẫu giáo. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát
triển các dịch vụ y tế, tăng cường cán bộ y tế về công tác ở vùng đồng bào dân
tộc thiểu số; bố trí và sử dụng có hiệu quả đội ngũ Bác sỹ đã cử tuyển sau khi
ra trường.
Tập trung giải quyết cơ bản những điểm nóng phức tạp, bức xúc hiện nay; giải
quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, không để lây lan kéo dài thành điểm
nóng. Có qui hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn
diện. Phát huy đa dạng hoá các mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc
phòng - an ninh...
Có thể nói, quá trình lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng hiện nay có
nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, do vậy sự vào cuộc và phối
hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành chức năng
trong tỉnh sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tạo sức bật
cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số sớm tiếp cận với trình độ phát triển chung
trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Làm tốt điều này sẽ phát triển các mối
quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở tỉnh Đăk
Nông trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hà Thị Hạnh – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đăk Nông