Báo chí Bỉ đưa tin đậm nét về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

10:51 AM 15/10/2014 |   Lượt xem: 2253 |   In bài viết | 

Với nhan đề “Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam”, bài viết đăng trên trang mạng ngoại giao Bỉ diplomatie.belgium.be ngày 13/10 đưa tin đậm nét về cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Didier Reynders với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cung điện Egmont. “Tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã thảo luận về những vấn đề kinh tế và các mối quan hệ song phương tuyệt vời giữa hai nước chúng ta. Các Bộ trưởng mong muốn làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, cả về chính trị và thương mại, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển cảng, nền kinh tế xanh và hàng không” – bài báo nêu rõ.

Trong khi đó, trang mạng của Liên đoàn các doanh nghiệp Bỉ (FEB) vbo-feb.be đưa tin chi tiết về diễn đàn doanh nghiệp Bỉ – Việt Nam do FEB phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ tổ chức, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài viết đánh giá: “Sự kiện này là một thành công lớn! Các công ty của Bỉ và các tổ chức ngành của châu Âu đã có mặt và đã có thể trò chuyện trực tiếp với Thủ tướng và các Bộ trưởng của Việt Nam trong một phiên họp “hỏi – đáp” rôm rả”. “Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Việt Nam đặc biệt đánh giá về các cơ hội kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp Bỉ và châu Âu tại Việt Nam. Về vấn đề này, ông đặc biệt nhấn mạnh tới các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ xanh, giao thông vận tải, viễn thông và mời các nhà đầu tư Bỉ và nước ngoài tăng cường hoạt động tại Việt Nam thông qua Quan hệ Đối tác Công – Tư (PPP)” – bài viết nhấn mạnh. Bài viết cũng dẫn lời ông Pieter Timmermans, Giám đốc điều hành của Liên đoàn các doanh nghiệp Bỉ khẳng định tầm quan trọng đối với các doanh nghiệp trong việc tìm một giải pháp cân bằng: "Các cuộc đàm phán giữa EU và Việt Nam phải cho phép loại bỏ tất cả các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”. Các doanh nhân Bỉ và Việt Nam cần tìm ra các giải pháp cân đối, bình đẳng cho những khác biệt hiện còn tồn tại để thỏa thuận thương mại tự do này có thể được ký kết và do đó cho phép nền kinh tế của chúng ta xây dựng các mối quan hệ kinh tế gần gũi và chặt chẽ hơn.

Mạng tin 7sur7.be thì tập trung vào nội dung cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Bỉ – Việt với việc ký kết 2 văn kiện hợp tác quan trọng. Thỏa thuận đầu tiên liên quan đến việc Bỉ dành cho Việt Nam khoản vay trị giá 62 triệu Euro để hỗ trợ Việt Nam tiến hành phóng tiểu vệ tinh thứ hai thực hiện chức năng quan sát tài nguyên thiên nhiên và thiên tai. Tiểu vệ tinh có tên VNRREDSat-1b sẽ được phóng lên không gian vào năm 2017. Thỏa thuận thứ hai là Bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển dự án khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giữa Công ty Rent-A-Port của thành phố Anvers với khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Bài báo cũng đề cập tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Bỉ và Việt Nam khi nhấn mạnh Việt Nam là một trong 18 quốc gia được Bỉ coi là Đối tác hợp tác phát triển, và là quốc gia châu Á duy nhất được hưởng quy chế này.

Trang điện tử của tờ Le Soir lesoir.be, một trong những nhật báo lớn nhất của Bỉ, cũng đăng tải bài viết với tiêu đề: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị khách nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Charles Michel”, trong đó nhấn mạnh việc Thủ tướng Việt Nam là vị khách nước ngoài đầu tiên được tân Thủ tướng Charles Michel tiếp đón chính thức sau 3 ngày nhậm chức. Đưa tin chi tiết về những hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm 3 ngày tới Bỉ và Liên minh châu Âu, bài viết trên tờ Le Soir nhấn mạnh kết quả tốt đẹp của chuyến thăm khi Việt Nam và Bỉ cùng ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng.

Cùng chia sẻ nội dung này, nhiều tờ báo và trang mạng khác của Bỉ như: lalibre.be, rtbf.be và sudinfo.be, dhnet.be,… cũng có các bài viết đưa tin chi tiết về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Bỉ.

Bên cạnh việc đề cập tới mối quan hệ Bỉ – Việt, tất cả các bài báo đều phản ánh các cuộc tiếp xúc và hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, trong đó nhấn mạnh một mục tiêu quan trọng khác trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để đi đến ký kết trong thời gian sớm nhất có thể, tạo động lực cho quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian tới./.

Khánh Linh (Theo báo chí nước ngoài)