Cần đầu tư mạnh và toàn diện cho giáo dục vùng cao

03:04 AM 11/07/2014 |   Lượt xem: 2020 |   In bài viết | 

Học sinh người Mông (Trạm Tấu) theo học trường PTDTBT được hỗ trợ gạo ăn trưa và chi phí học tập. (Ảnh: Q.T)
Nguồn lực đầu tư của Nhà nước và địa phương đã cải thiện căn bản cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Trong năm học này, ngành giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) huyện được đầu tư xây dựng 57 phòng học, nhà bán trú, nhà công vụ kiên cố tại tường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Làng Nhì, Xà Hồ, Pá Lau, Túc Đán, Bản Mù, Phình Hồ.

Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, chính hệ thống trường PTDTBT và các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 49/CP đã tạo cơ hội, điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đến trường, cũng là điều kiện căn bản để ngành GD&ĐT huyện thúc đẩy nhanh và bền vững sự nghiệp GD&ĐT ở vùng cao. Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu, năm học 2013 - 2014, tổng số học sinh bán trú (được phê duyệt) của huyện là 3.023 em.

Trong đó: 2.280 em học, ăn ở trong các nhà trường, 743 em ở ngoài trường. Chế độ hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú theo Quyết định 36/QĐ.Tg, từ tháng 9 - 12/2013, số học sinh được phê duyệt là 5.206 em, từ tháng 1-5/2014, số học sinh được phê duyệt là 5.194 em. Chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, tổng số trẻ được phê duyệt là hỗ trợ là 2.200 em. Thực hiện Nghị định 49/CP, từ tháng 9 - 12/2013, đã phê duyệt hỗ trợ cho 3.337 học sinh, từ tháng 1-5/2014, tổng số học sinh được phê duyệt hỗ trợ là 3.045 em...

Khó có thể vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số và dần nâng cao chất lượng giáo dục nếu không có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Tỷ lệ học sinh chuyên cần năm học 2013 - 2014 của Trạm Tấu đã tăng cao: 98% ở bậc học mầm non, tiểu học và 92% ở bậc THCS. Đáng mừng là chất lượng giáo dục đã có chuyển biến khá rõ nét ở các bậc học.

Trong số 4.209 học sinh tiểu học, học sinh giỏi chiếm gần 10%, khá trên 25%, trung bình 63% yếu chỉ còn 1,59%. Bậc THCS, tổng số 1.899 học sinh, học sinh khá đã chiếm 16,7%, trung bình gần 81,9%, học sinh yếu giảm còn 0,86%, bậc học này sau nhiều năm chật vật cũng đã có trên 0,5% học sinh giỏi.

Giáo dục mũi nhọn ở Trạm Tấu đã có những bước đi đáng ghi nhận. Năm học 2013 - 2014, Trạm Tấu đã có 22 em học sinh giỏi cấp huyện, 15 em tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 4 em đoạt giải. Thi giải Toán qua mạng Internet bậc tiểu học, cấp huyện có 30 em đoạt giải và tham gia thi cấp tỉnh có 1 em đoạt giải ba và 5 em đoạt giải khuyến khích.

Những kết quả đạt được của ngành GD&ĐT Trạm Tấu đang củng cố vững chắc những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện sự nghiệp GD&ĐT ở địa phương vùng cao khó khăn nhất nhì cả nước. Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều hạn chế, tồn tại, khó khăn đang đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực vượt khó, tháo gỡ của các cấp ủy, chính quyền, ngành GD&ĐT.

Ngoài những khó khăn khách quan vốn có ở một huyện vùng cao, thì cơ sở vật chất giáo dục tuy đã được quan tâm, đầu tư nhưng việc thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia và Đề án Xây dựng trường PTDTBT, cơ sở vật chất trường học ở nhiều nhà trường chưa đảm bảo, trang thiết bị ít được đầu tư và bổ sung.

Giải quyết vấn đề này, nằm ngoài khả năng của địa phương. Do vậy, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện cần được sự quan tâm hơn nữa của UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất các trường chuẩn quốc gia, các trường mầm non thực hiện Đề án PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, xây dựng nhà công vụ giáo viên, nhà ở cho học sinh bán trú tại trường PTDTBT. Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm hỗ trợ kịp thời các điều kiện về cơ sở vật chất cho các trường chuẩn quốc gia, đầu tư trang thiết bị cho ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục.

T.A (Nguồn: Báo Yên bái)