Thêm nguồn lực giảm nghèo cho Tây Nguyên: 165 triệu USD cho các dự án giảm nghèo
09:10 AM 11/07/2014 | Lượt xem: 2268 In bài viết |Công tác “xóa đói - giảm nghèo” ở vùng Tây Nguyên được coi là quyết sách quan trọng hàng đầu, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong khu vực. Từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã có sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến đời sống của cộng đồng dân tộc vùng Tây Nguyên, đã đầu tư rất lớn về nhiều mặt, tạo môi trường thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, từng bước ổn định và nâng cao mức sống.
“Cuộc chiến” còn dai dẳng
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với dân
số 6,5 triệu người, trong đó có gần 45% số dân là người dân tộc thiểu số, chủ
yếu là các dân tộc Bahnar, J’rai, Ê Đê, Sê Đăng, Triêng, Dẻ... Là khu vực có
nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động, và chương trình xóa đói giảm
nghèo ở đây đã từng bước phát huy có hiệu quả, đời sống của người dân và nhất là
đồng bào các dân tộc thiểu số đã có bước tiến rõ rệt. Cách đây 5 năm, công tác
“xóa đói” đã được các cấp chính quyền địa phương trong khu vực thực hiện thành
công; tình trạng thiếu ăn trong những tháng giáp hạt hàng năm của cộng đồng dân
tộc thiểu số trên địa bàn không còn xảy ra. Nguồn lương thực ngày càng dồi dào,
thêm vào đó là người dân có ý thức tiết kiệm, không sử dụng phung phí nguồn
lương thực theo tập tục lạc hậu như trước đây.
Công tác “giảm nghèo” trong cộng đồng người dân tộc những năm gần đây cũng đã có
bước tiến rõ rệt, số hộ thoát nghèo ngày càng tăng, và đang có hướng vươn lên
làm giàu. Riêng ở tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 5% hộ nghèo (tương
đương từ 8.000 - 9.000 hộ), nhiều hộ đang tiến tới làm giàu và có mức thu nhập
hàng năm lên đến vài trăm triệu đồng. Có những hộ thu nhập tiền tỷ, điển hình
như hộ Rơ Mal Brao ở làng Mới thuộc xã A Dưk, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia
Lai với tài sản hiện có hơn 15 ha cao su tiểu điền và cà phê.
Tuy nhiên, công tác “giảm nghèo” trong toàn vùng vẫn chậm và chưa mang nhiều yếu
tố bền vững. Việc thoát nghèo rồi lại “tái nghèo” cũng đã diễn ra ở nhiều nơi
trong khu vực, chỉ cần qua một năm mất mùa hoặc có diễn biến phức tạp về dịch
bệnh. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay trong toàn vùng còn
khoảng gần 20% số hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc
thiểu số chiếm 74%. Đây được coi là một “cuộc chiến” giảm nghèo dai dẳng, bởi
chưa đảm bảo những điều kiện cần thiết để cho bà con có sức vươn lên thoát nghèo
một cách bền vững. Nhất là về hệ thống cơ sở hạ tầng “điện - đường - trường -
trạm” trên địa bàn vùng Tây Nguyên vẫn đang còn nhiều khó khăn.
Thêm nguồn lực giảm nghèo
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đang được triển khai thực hiện tại các tỉnh:
Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và 2 tỉnh duyên hải miền Trung là Quảng Nam
và Quảng Ngãi. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 165 triệu USD, tương đương 3.465
tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn đối ứng của Chính
phủ. Theo ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là dự án
giảm nghèo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực Tây Nguyên và có ý
nghĩa, giá trị rất thiết thực, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế
- xã hội của đất nước. Trước đó, dự án đã được triển khai tại khu vực thuộc các
tỉnh phía bắc và đã thực hiện thành công giai đoạn 1 và đang tiếp tục triển khai
thực hiện giai đoạn 2.
Thời gian triển khai thực hiện dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trong 6 năm
(2014 - 2019). Mục tiêu phát triển của dự án là nâng cao mức sống thông qua cơ
hội cải thiện sinh kế ở các xã nghèo bằng cách: Cải thiện hệ thống cơ sở hạ
tầng; tăng tính tự chủ và cơ hội sinh kế trên cơ sở củng cố an ninh lương thực
và dinh dưỡng; cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện để thúc đẩy
sản xuất, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng; nâng cao năng lực cán bộ các
cấp để thực hiện hiệu quả của dự án.
Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên
Dự án cũng đã xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với các tỉnh miền
núi, mặt bằng dân trí thấp nhằm bảo đảm đạt hiệu quả cao trong quá trình triển
khai thực hiện. Thúc đẩy phân cấp, trao quyền thông qua giao cấp xã làm chủ đầu
tư hầu hết các hoạt động; khuyến khích các đơn vị thi công sử dụng lao động địa
phương tại chỗ và nhất là khuyến khích hình thức đấu thầu có sự tham gia của
cộng đồng; phát huy vai trò cộng đồng trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện
và giám sát các hoạt động...
Tại diễn đàn khởi động Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên diễn ra mới đây tại
TP Pleiku (Gia Lai), các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận những khó khăn từ
thực tế, trên cơ sở đó tăng cường các giải pháp bảo đảm triển khai thực hiện dự
án có hiệu quả nhất. Đó là, năng lực quản lý của cấp xã còn nhiều hạn chế và cần
phải đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn hoặc tăng cán bộ cấp huyện về
cùng tham gia trong mọi hoạt động. Trong điều kiện mặt bằng dân trí còn thấp,
cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân nhằm nâng cao ý thức
và coi những hoạt động của dự án là tài sản của mình và chính mình và cộng đồng
cùng hưởng lợi. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng đã trình bày về các chính
sách an sinh xã hội, chính sách an toàn môi trường, giám sát đánh giá dự án
trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Sean Bradley - đồng Chủ nhiệm dự án, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định: Những
khó khăn của Tây Nguyên và những thách thức mà các nhóm DTTS phải đối mặt không
dễ vượt qua. Tuy nhiên, với cách làm mới phù hợp với thực tế và nhất là sự nhiệt
tình và sự cam kết mạnh mẽ cấp lãnh đạo của các tỉnh trong khu vực, chắc chắn
rằng dự án sẽ thành công. Ông Sean Brdley cũng cho biết thêm: Trong thời gian
tới, Ngân hàng Thế giới sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư và các Ban QLDA tỉnh và huyện, cùng đồng hành trong quá trình thực hiện dự
án; ít nhất cứ 6 tháng 1 lần sẽ có một đoàn hỗ trợ đến làm việc một cách thường
xuyên hơn.
Mặc dù trong 20 năm qua, Chính phủ đã tích cực quan tâm chăm lo đến đời sống của
cộng đồng dân tộc và đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, song tốc độ giảm nghèo
của nhiều nhóm dân tộc thiểu số và đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên còn chưa cao so với tốc độ giảm nghèo chung. Người dân tộc thiểu số chiếm
chưa đến 15% dân số của cả nước, nhưng lại chiếm đến 50% trong tổng số người
nghèo. Riêng ở vùng Tây Nguyên thách thức càng lớn hơn khi mà gần 74% người dân
tộc thiểu số có mức sống dưới ngưỡng nghèo của Chính phủ, tỉ lệ trẻ em còi cọc
và ốm yếu có mức cao nhất của cả nước và ngược lại tỉ lệ nhập học ở bậc tiểu học
thì ở mức thấp nhất.
Bài và ảnh: Văn Thông (Nguồn: baotintuc.vn)