Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 Dự thảo Luật

01:29 AM 23/05/2014 |   Lượt xem: 2015 |   In bài viết | 

Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đổi mới mô hình viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, vai trò của ủy ban kiểm sát, nhiệm vụ và nhiệm kì của kiểm sát viên. Một số đại biểu cho rằng, mô hình tổ chức của cơ quan tư pháp nói chung, Viện kiểm sát nói riêng cần độc lập, tuân theo pháp luật và tránh tình trạng công việc dồn xuống cấp dưới. Về việc tuyển dụng các chức danh tư pháp, Dự thảo luật quy định theo hình thức kết hợp giữa tuyển chọn theo hội đồng và thi tuyển quốc gia. Tuy nhiên, về lâu dài cần tiến tới các chức danh tư pháp phải thực hiện chế độ thi tuyển, đây là xu hướng của các nước tiến bộ trên thế giới.

Thảo luận về cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát, đa số ý kiến nhất trí với việc tinh gọn bộ máy nhưng Dự thảo Luật chưa thể hiện được điều này. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng: Quan điểm chung là sẽ xây dựng Viện kiểm sát thành cơ quan tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhưng tinh gọn, hiệu quả ở chỗ nào thì chưa rõ mà thậm chí nếu quan sát thì thấy là bộ máy này lại phình ra chứ không phải tinh gọn hơn. Như vậy yêu cầu đặt ra rất đúng đắn nhưng việc thể hiện trong luật chưa rõ, cần nghiên cứu để cụ thể hơn.

Về Dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân; vấn đề án lệ; về nhiệm kỳ của Thẩm phán; về tuổi làm việc của Thẩm phán….Với mô hình tổ chức tòa án, các đại biểu tán thành với dự thảo luật theo 4 cấp. Đó là: Tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực hoặc huyện. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực như trong Dự thảo đưa ra. Một số ý kiến đồng ý với phương án Dự thảo đưa ra là thành lập tòa án khu vực trên cơ sở nhập 1 hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp quận huyện. Tuy nhiên, đại biểu Lương Văn Thành, (đoàn Hải Phòng) không đồng tình với phương án này và cho rằng, nếu mỗi quận, huyện có 1 tòa án sơ thẩm thì thuận lợi cho người dân, còn nếu sáp nhập sẽ làm phát sinh, thay đổi lớn về nhân lực, cơ sở vật chất hiện có.

Một số đại biểu cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật tổ chức tòa án (sửa đổi) lần này vẫn quy định tòa án tối cao quản lý tòa án các cấp thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thẩm phán khi xét xử độc lập. Về vai trò kiểm soát của Quốc hội và Chính phủ đối với tòa án, đại biểu Lê Minh Thông, (đoàn Thanh Hóa) cho rằng: Hiến pháp chúng ta đi được 1 bước quan trọng là Quốc hội phê chuẩn thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, đấy là cách thức quốc hội kiểm soát hoạt động tư pháp. Nhưng Chính phủ rất khó kiểm soát tòa án nếu như không trao quyền quản lý kiểm soát về mặt hành chính tòa án địa phương cho chính phủ. Đại biểu Lê Minh Thông cho rằng, về quyền tư pháp cần hiểu rộng hơn là làm rõ thẩm quyền của tòa án nhân dân và mối quan hệ kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa cơ quan hành pháp và tư pháp trong mối quan hệ của nhà nước pháp quyền. Theo đại biểu, mối quan hệ này chưa rõ nét trong dự thảo lần này

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các đại biểu tán thành với quan điểm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thể được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Đối với nhiệm kỳ của Thẩm phán khác, đa số ý kiến tán thành với quy định nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 5 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo 10 năm là phù hợp.

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012./.

Mạnh Hùng (Nguồn: CPV)