Nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng
12:19 PM 07/05/2014 | Lượt xem: 2462 In bài viết |Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), Trưởng Ban Nội chính Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao từ đầu năm 2013 đến nay, tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, ngày 5/5.
Nhiều chủ trương, giải
pháp phòng ngừa tham nhũng
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2013 là năm toàn Đảng tiếp tục
triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách
về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó có nội dung quan trọng là phòng, chống tham
nhũng, lãng phí; là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5
năm 2011 - 2015. Tình hình kinh tế - xã hội đan xen giữa thuận lợi, thời cơ và
khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và sự tham gia của cả hệ thống chính trị,
công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, đạt được
một số kết quả đáng khích lệ, phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội, giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước.
Trong năm 2013, Bộ Chính trị đã thành lập 18 Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội
ban hành Nghị quyết số 63/2013/QH13 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng,
chống tội phạm; Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng, trình Đề án “Tăng cường thực
hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước”. Trên
cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 về vấn đề
này; Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) thành lập 07 Đoàn công tác
liên ngành để tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.
Nhiều bộ, ban, ngành, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị về công tác
PCTN; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; thành lập, kiện toàn tổ chức,
hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Các địa phương đã ban hành
2.042 văn bản để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN; tiến hành 2.211 cuộc giám sát,
kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN.
Các cấp ủy đảng đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan Tuyên giáo, cơ quan báo chí bám
sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp trên và cấp
mình thực hiện có hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN
gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03-CT/TW
của Bộ Chính trị. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tập trung vào việc
quán triệt, phổ biến các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN;
nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được thực hiện, với 69.365 lớp.
Các cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN được tổ chức và hơn 3,7 triệu
lượt người tham gia. Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa
phương có nhiều tin, bài phản ánh về công tác PCTN. Qua đó, đã góp phần nâng cao
nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị,
đảng viên, cán bộ, công chức, nhân dân đối với công tác PCTN.
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN được các cấp quan tâm. Theo
thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2013, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng, ban
hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 18 văn bản quan trọng của Đảng và Nhà
nước về PCTN. Các bộ, ngành Trung ương quan tâm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ
quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản
lý nhà nước được giao nhằm PCTN.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo phòng chống tham nhũng
Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong thực
hiện cũng như đôn đốc, kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những
hạn chế, thiếu sót trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, như:
Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch
tài sản, thu nhập; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức; xây
dựng tiêu chí về tiêu chuẩn đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức;
cải cách hành chính, trong đó, chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính;
thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử... Một số giải
pháp phòng ngừa tham nhũng bước đầu phát huy được hiệu quả như: Công khai trong
việc mua sắm tài sản công, đấu thầu, tiêu chí bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý,
từng bước hạn chế cơ chế “xin - cho” là môi trường dễ phát sinh tiêu cực, tham
nhũng.
Một số bộ, ngành, địa phương đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong việc thực
hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công
Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Kho bạc Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ngãi,
tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Phú Thọ. Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông
Vận tải, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, các
tỉnh: Quảng Nam, Thái Bình và Hà Nam... đã tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo,
quản lý.
Phát hiện, xử lý nhiều hành vi, vụ việc tham nhũng
Với quan điểm vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống
tham nhũng, ngay sau khi ổn định tổ chức, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tập
trung chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng thông qua công tác
thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; trong đó, tập trung
chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức
tạp xảy ra từ trước năm 2013 mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của 30 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 60 tỉnh ủy, thành ủy trực
thuộc Trung ương, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp
luật về công khai, minh bạch trong hoạt động tại 3.605 cơ quan, tổ chức, đơn vị,
phát hiện 118 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm; tiến hành hơn 4.000 cuộc kiểm
tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 188 vụ việc vi
phạm; tiến hành 4.392 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo
đức nghề nghiệp; đã phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm tại 70 cơ quan, tổ chức,
đơn vị; rà soát, ban hành mới 2.719 văn bản; sửa đổi, bổ sung 1.962 văn bản và
hủy bỏ 209 văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí
công tác 32.427 cán bộ, công chức; xử lý trách nhiệm 69 trường hợp người đứng
đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do để xảy ra tham nhũng.
Trong năm 2013, cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đảng
viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, qua đó, đã thi hành kỷ luật 187 trường
hợp đảng viên vi phạm. Ngành Thanh tra đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành
chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua công tác thanh tra,
kiểm tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng,
kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 10 tập thể,
104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước đã
tiến hành 151/151 cuộc kiểm toán, phát hành 150/151 báo cáo kiểm toán; qua kiểm
toán đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.821 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách
nhiệm 31 cá nhân; chuyển 06 vụ việc sang cơ quan điều tra, thanh tra; cung cấp
13 hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan có thẩm quyền. Đáng chú ý
là trong năm 2013, có 24 bộ, ngành, địa phương báo cáo đã tự phát hiện tham
nhũng qua kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ngay từ đầu năm 2013, trước
tình hình các vụ việc, vụ án tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo
đã lựa chọn nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng là một nhiệm
vụ công tác trọng tâm để tập trung chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực, quyết liệt của
các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ
án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đã tạo khí thế và chuyển biến tương đối rõ
nét trong lĩnh vực công tác này, có tác dụng tích cực, được dư luận xã hội đồng
tình, ủng hộ.
Trong năm 2013, Cơ quan điều tra đã khởi tố 275 vụ/601 bị can; Viện kiểm sát các
cấp đã truy tố 293 vụ/675 bị can; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 271 vụ/566 bị
cáo về các tội danh tham nhũng. Tiến độ, chất lượng hoạt động điều tra các vụ án
tham nhũng từng bước được đẩy mạnh. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát
việc giải quyết vụ án tham nhũng và công tác xét xử các vụ án tham nhũng bảo đảm
nghiêm minh đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý là các cơ quan tiến hành tố
tụng Trung ương đã tập trung điều tra, truy tố và kịp thời đưa ra xét xử 05/08
vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thuộc diện Ban
Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với mức án đủ nghiêm, tạo hiệu ứng tích cực trong
công tác PCTN trong tình hình hiện nay.
Những hạn chế và phương hướng khắc phục
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN chưa tạo được chuyển biến căn
bản về nhận thức của người dân trong PCTN; việc thực hiện các giải pháp phòng
ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức,
còn mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp;
việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở của cơ chế,
chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu
PCTN; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị
còn rất yếu, một số trường hợp chưa xử lý triệt để, muốn xử lý nhẹ, xử lý nội
bộ, không muốn chuyển cơ quan chức năng xem xét để xử lý theo quy định pháp
luật; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị PCTN chưa đáp ứng yêu cầu
(lực lượng còn mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao); việc phát hiện tham nhũng qua
công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thay đổi sang tội danh
khác nhẹ hơn hoặc không phải tội danh về tham nhũng vẫn còn xảy ra; việc thu hồi
tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân
trong cuộc đấu tranh PCTN; chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham
nhũng và xử lý kịp thời, kiên quyết người trả thù, trù dập người tố cáo tham
nhũng; việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa kịp thời, mức khen thưởng
thấp nên chưa động viên, khuyến khích được người dân tố cáo tham nhũng.
Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung
ương về PCTN xác định 8 nội dung, trong đó: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nghiên
cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng
ngừa tham nhũng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN gắn
với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về
xây dựng Đảng hiện nay, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tích cực triển khai thực hiện
các quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCTN, Chỉ thị của Bộ
Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động PCTN và các văn bản
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành Luật PCTN. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác
kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của Nhà
nước, công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, xử
lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính, kinh tế và
hình sự các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm,
có nguy cơ tham nhũng cao. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số
08-KH/TW của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi
tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương.
Rà soát, nắm tình hình để chấn chỉnh hoạt động tín dụng, xử lý nợ xấu nhằm phòng
ngừa và hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng tại một số Ngân hàng thương mại
Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác
PCTN ở địa phương; quan tâm kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả
hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan có chức năng
phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế
về PCTN, nhất là trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự với các quốc gia liên
quan với Việt Nam./.
Hiền Hòa (lược ghi) (Nguồn: chinhphu.vn)