Chính sách giảm nghèo: Sửa đổi, bổ sung nội dung không còn phù hợp
11:15 AM 24/04/2014 | Lượt xem: 1886 In bài viết |Chiều 23/4, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo
Trung ương về giảm nghèo bền vững chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo
với các địa phương về công tác giảm nghèo bền vững nhằm đánh giá lại kết quả
thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012; kết quả thực
hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2013, định hướng tới năm 2015.
Đại diện các địa phương, bộ, ngành đều cho rằng giảm nghèo là chính sách đúng
đắn trong chăm lo đời sống nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối
với Đảng, Nhà nước.
Các địa phương đã triển khai giảm nghèo trong mọi lĩnh vực đời sống như khám
chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục-đào tạo; hỗ trợ đất sản xuất, nước
sinh hoạt; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ
giúp pháp lý; hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện và tín dụng ưu đãi. Nhiều nơi có
cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, giúp người dân thoát nghèo nhanh,
bền vững.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 22% xuống còn 7,8%. Nhiều địa phương đạt
mức giảm nghèo cao hơn chỉ tiêu giảm 2%/năm của cả nước và 4%/năm ở các huyện
nghèo.
Những điểm sáng của công tác giảm nghèo trong thời gian qua, theo Phó Chủ nhiệm
Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Phạm Mạnh Hùng là: Nhà nước đang dần thực
hiện cơ chế hỗ trợ thông qua vốn vay chứ không phải là vốn hỗ trợ trực tiếp để
tạo sự chủ động thoát nghèo. Chính sách bảo hiểm y tế đã hỗ trợ rất thiết thực
đời sống người nghèo; đầu tư cho giáo dục ở vùng khó khăn có ý nghĩa lâu dài.
Chính sách về nhà ở đã giúp cho 531.000 hộ nghèo có nhà ở...
Để công tác giảm nghèo hiệu quả hơn nữa, lãnh đạo các địa phương kiến nghị Chính
phủ tăng đầu tư cho giảm nghèo, lồng ghép các chính sách để tập trung nguồn lực
và xóa bỏ các thủ tục không cần thiết trong thực hiện.
Đồng tình với đánh giá của các bộ, ngành địa phương về công tác giảm nghèo thời
gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng các chính sách, chế độ trong lĩnh
vực này cơ bản đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 5 năm qua, mặc dù kinh tế trong nước rất khó khăn, Quốc
hội và Chính phủ đã phải hạ một số chỉ tiêu về kinh tế nhưng đối với chỉ tiêu
giảm nghèo và an sinh xã hội vẫn được giữ nguyên và kiên trì thực hiện.
Trong triển khai chính sách giảm nghèo thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm nghèo toàn diện nhưng phải xác
định các nhóm đối tượng (ví dụ như đồng bào dân tộc thiểu số,…) để tập trung
giảm nghèo.
Các bộ, ngành sửa đổi cơ chế chính sách giảm nghèo theo hướng lồng ghép, tránh
chồng chéo nhưng không làm gián đoạn các chính sách đang triển khai trên thực tế,
đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay những nội dung không còn phù hợp.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” các bộ, ngành thiết kế các gói chính
sách về giảm nghèo để người nghèo ở mỗi vùng, miền khác nhau có thể lựa chọn,
thụ hưởng và có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Chính sách giảm nghèo
phải hạn chế tình trạng ỷ lại vào Nhà nước của cả người nghèo và lãnh đạo địa
phương.
Để hạn chế việc thiếu hụt nguồn lực khi thực hiện chính sách, Phó Thủ tướng đề
nghị bộ, ngành, địa phương phải chủ động cân đối ngay từ khi thiết kế chính sách
và xây dựng nguồn ngân sách thực hiện giảm nghèo trong trung hạn.
“Những chính sách đã ban hành thì phải đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện, nếu
không sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vũ
Văn Ninh lưu ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát chính sách, chế độ để
ban hành kịp thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của các địa phương
để có điều chỉnh nhanh nhất. Những địa phương có cách làm hay về giảm nghèo cần
phổ biến kinh nghiệm, cách làm để các địa phương khác tham khảo vận dụng.
Thành Chung (Nguồn: chinhphu.vn)