Nhân Ngày Nước thế giới (22/3): Tăng cường giám sát, quản lý tài nguyên nước
08:38 AM 31/03/2014 | Lượt xem: 2397 In bài viết |Nguồn nước đang ngày càng ô nhiễm và suy giảm về chất lượng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 3.500 hồ chứa lớn nhỏ và
khoảng 650 hồ chứa cỡ lớn và trung bình dùng để sản xuất thủy điện, kiểm soát lũ
lụt, giao thông thủy, thủy lợi và nuôi trồng thủy sản.
Nước ngầm là nguồn nước có tiềm năng trữ lượng lớn, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc
Bộ và Nam Bộ. Tài nguyên nước ven biển và các vùng đất ngập nước nội địa có tầm
quan trọng cao cho việc bảo tồn, duy trì chức năng sinh thái và đa dạng sinh học
đất ngập nước. Tiêu biểu như hồ Ba Bể, đất ngập nước Xuân Thủy, Tiền Hải, Bàu
Sấu, Cần Giờ và Chàm Chim.
Mặc dù tài nguyên nước của Việt Nam có trữ lượng dồi dào, nhưng trên thực tế
nguồn nước có thể sử dụng ngay là hữu hạn vì phân bố không đều. Nhiều vùng bị
thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác
nhân khác.
Chất lượng nước cũng bị suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy
con người đến gần các rủi ro nguy hiểm. Ước tính khoảng 37% lượng nước mất đi do
lãng phí, thậm chí có nơi lên đến 50%. Nguyên nhân là do một phần hệ thống tưới
tiêu của nước ta được xây dựng từ những năm 1960 và 1970, đến nay đã bị xuống
cấp và hư hỏng nặng, trong khi đó hệ thống tưới tiêu hiện tại chỉ có khả năng
cung cấp nước cho khoảng 50 - 60% theo yêu cầu thiết kế được tưới.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, những năm gần đây, việc quản lý tài
nguyên nước ở Việt Nam được cải thiện đáng kể về mặt pháp lý, cấu trúc thể chế
và các cơ chế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy
nhiên, nhiều nơi vẫn còn có tình trạng nguồn nước chưa có phân vùng mục đích
khai thác, sử dụng và bảo vệ; chưa có quy hoạch phân vùng xả thải, do đó thiếu
cơ sở cho việc cấp phép xả nước thải.
Số lượng công trình khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước lớn,
phạm vi phân bố rộng, trong khi lực lượng cán bộ quản lý còn mỏng nên việc kiểm
tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước sau
cấp phép còn hạn chế, chưa kiểm soát việc thực hiện các yêu cầu về khai thác, sử
dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo quy định.
Hơn nữa, việc gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân khiến
nguồn nước đang ngày càng ô nhiễm và suy giảm về chất lượng.
Theo ông Tống Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên
nước Quốc gia, hiện Việt Nam đang có gần 800 đô thị, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào
năm 2020. Về dân số, hiện nước ta cũng đang đứng thứ 13 toàn cầu, trong đó có
đến 33% sống ở khu vực đô thị và nhiều khả năng sẽ đạt 50% vào năm 2030.
Sự gia tăng dân số, đô thị hóa ngày càng nhanh đã khiến nhu cầu sử dụng và khai
thác quá mức nguồn nước ngày càng tăng cao. Cũng chính vì thế, nên nguồn nước
ngầm tại nhiều thành phố lớn đã và đang phải đứng trước nhiều thách thức.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nước là tư liệu quan
trọng hàng đầu trong mọi hoạt động sản xuất, không có nước thì không thể phát
triển kinh tế và ổn định xã hội. Bởi vậy, nước đã trở thành tài nguyên chiến
lược thứ hai sau tài nguyên con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh gia tăng dân
số, đô thị hoá ngày nhanh chóng đã khiến nguồn nước (kể cả nước mặt lẫn nước
ngầm) tại nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn cũng bị ô nhiễm và suy thoái.
Giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và dựa vào cộng đồng để quản lý
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để khắc phục hạn chế trên, hiện Bộ đang xây
dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định về hành lang bảo vệ nguồn
nước, ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và các văn bản
quy phạm pháp luật khác để triển khai Luật Tài nguyên nước...
Trước mắt, Bộ sẽ triển khai giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả
nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập
mặn nguồn nước, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; xác định dòng chảy tối
thiểu trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng. Đồng thời tiến hành phê duyệt và
triển khai quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh; xây dựng "Đề án
điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất" để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng
cao, vùng khan hiếm nước.
Bộ cũng đã kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép triển khai sớm
các dự án như: Đầu tư xây dựng hệ thống viễn thông, quan trắc, giám sát, cảnh
báo, dự báo tài nguyên nước và mô hình tính toán, dự báo lưu lượng nước đến hồ
các lưu vực sông khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, triển khai các đề
án tăng cường năng lực hệ thống thanh tra môi trường từ Trung ương đến địa
phương; tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối...
Để bảo vệ tài nguyên nước một cách hợp lý và hiệu quả, các chuyên gia môi trường
cũng cho rằng, cần phải đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng, đồng nghĩa với việc
tăng cường quá trình phi tập trung hóa (hay phân cấp) quản lý xuống cơ sở. Điều
trước tiên là nâng cao nhận thức cho đội ngũ xây dựng chính sách và ra quyết
định, lập kế hoạch về tầm quan trọng của quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng
đồng.
Mặt khác, khuyến khích chính quyền địa phương hỗ trợ các sáng kiến quản lý tài
nguyên nước có sự tham gia của cộng đồng, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn,
hội thảo, tư vấn và tham quan học tập các mô hình tiêu biểu.
Bích Liên (Nguồn: CPV)