Chuyện học nơi đỉnh núi mờ sương

10:51 AM 29/03/2014 |   Lượt xem: 1901 |   In bài viết | 

Trường Tiểu học Lũng Lìu nằm trên đỉnh núi quanh năm mờ sương, bốn bề là núi đá vôi cao chót vót. Chưa có đường cho xe máy nên để lên tới trường Tiểu học Lũng Lìu chỉ có một cách là men theo những lối mòn nhỏ bên triền núi. Sau gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi cũng lên tới trường Lũng Lìu. Nhiệt độ ở đây xuống tới 11 độ, nhưng quần áo mọi người đều ướt đẫm mồ hôi.

Trường tiểu học Lũng Lìu hiện ra với 4 căn nhà tạm được lợp bằng proximăng đã lỗ chỗ thủng dột, tường vách nứa chát đất đã rách toang hoác phải cuốn quanh nhà một tấm bạt để gió lạnh khỏi lùa vào. Chỉ có duy nhất 2 phòng của nhà công vụ cấp bốn là mới được xây. Đây cũng là nơi ăn, nghỉ ngơi và làm việc của 11 giáo viên nhà trường. Các thầy cô ở đây cho biết, để có ngôi nhà công vụ này, rất nhiều phụ huynh, thày cô giáo đã góp công, góp sức, góp cả tiền của để thuê người vác nguyên vật liệu lên núi. “Cứ một cân xi măng, một cân gạch, sắt… mang lên đến đây, phải chi thêm 2.000 đồng tiền công vác. Nhà cũng phải xây dựng vào mùa mưa thì mới hứng được nước để làm nhà”, một thầy giáo của trường chia sẻ.

Cơn mưa phùn cũng đã ngớt, tiếng trống trường gióng lên vang vọng khắp núi, các em học sinh ùa ra giữa sân để làm lễ chào cờ sớm thứ hai đầu tuần. Lũ trẻ quần áo nhàu nát cũ kĩ, có em đi ủng, nhưng cũng có em chỉ có đôi dép tổ ong buộc vá chằng chịt, môi tím đi vì lạnh…

Thầy Hoàng Văn Định, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lũng Lìu cho biết, học sinh đều là con em đồng bào Mông của ba xóm bản xa xôi khó khăn nhất của huyện là Canh Tao, Lũng Lìu, Lũng Lạ. Cả trường có 70 em học sinh, nhiều em nhà xa trường 3 - 4 km, đi bộ đường rừng núi, nhưng các em vẫn rất chăm chỉ đến lớp, rất ít khi nghỉ học.

Sau 30 phút chào cờ đầu tuần, các em trở về lớp nghe giảng. Nhìn lũ trẻ ngồi học mà chúng tôi cảm thấy nao lòng. Mỗi lớp lèo tèo 5 - 7 học sinh, lớp đông nhất được 12 em, bàn ghế ọp ẹp, xiêu vẹo kê trên nền đất đầy những ổ gà, ổ vịt. Mỗi phòng học gồm 2 lớp, đổi đầu đuôi. Trò chuyện cùng chúng tôi, em Vương Thị Tươi, học sinh lớp 5, có dáng người nhỏ nhắn nhưng gương khá rắn rỏi, già dặn hơn nhiều so với tuổi, cho biết: “Em thích được đến trường học cái chữ lắm. Nhà em xa trường lắm, sáng nào cũng phải dậy từ 5 giờ sáng nấu cơm gói theo để trưa ở lại ăn, chiều học tiếp”.

Kết thúc buổi học sáng, lũ trẻ đều ở lại trường chờ đến chiều học xong mới về. Vì nhà xa nên chúng phải gói cơm theo để ăn. Bữa cơm trưa của các em được cha mẹ chuẩn bị sẵn. Em thì có ít cơm trắng gói trong lá chuối, em thì ít mèn mén đựng trong túi ni lông cùng chút rau cải, rau rừng… bày lên bàn học để ăn. Nhiều em sáng dậy ăn no ở nhà rồi mới đến trường, trưa nhịn đến tối về nhà mới ăn.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Cường, người gắn bó với Lũng Lìu gần 10 năm nay, cho biết, do trường nằm trên đỉnh núi cao, giao thông cách trở, nên đồ dùng phục vụ công tác dạy và học thiếu thốn đủ thứ. “Xã Lũng Lìu không có điện, không trạm y tế, không có nước sinh hoạt... 100% các hộ đều là hộ nghèo, đường đi lại giữa các thôn là đường mòn trên núi đá, đến ngựa thồ cũng không đi nổi, nên không biết đến khi nào đồng bào ở trên này mới hết đói, mới hết tảo hôn, lũ trẻ mới được hưởng thụ những ngày đến trường thực sự của chúng như những đứa trẻ ở những mái trường khác”, thầy Cường chia sẻ.

Khó khăn của trò là vậy, còn các thầy cô thì gian nan hơn. 11 thầy cô giáo, thì chỉ duy nhất một thầy ở lại trường hàng ngày, thỉnh thoảng mới về vì tuổi cao, cái chân đã yếu không thể ngày nào cũng leo lên leo xuống. 10 thày cô còn lại đều nhà ở xa, nhưng ngày ngày vẫn đi về. Sáng sớm, các thày cô đi xe đến chân núi, dựng ven đường, rồi khoác ba lô trên lưng, tay chống gậy, tay xách bình nước lên để nấu ăn bữa trưa, chiều dạy xong lại về…

Rời Lũng Lìu lúc xế chiều, hình ảnh những đứa trẻ, mái trường Lũng Lìu như níu lấy đôi chân chúng tôi. Khó khăn là thế, gian khổ là thế, nhưng công sức cõng chữ lên ngàn của các thầy cô, sự chăm ngoan học tập của các em học sinh nhất định sẽ được đền đáp với tương lai tươi sáng.

Bài và ảnh: Quân Trang (Nguồn: baotintuc.vn)