Sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer
07:08 AM 26/12/2013 | Lượt xem: 2179 In bài viết |Sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer Nam Bộ đã trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, với sự đặc sắc về tính sáng tạo và độc đáo về nghệ thuật, sân khấu Dù Kê được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại từ nay đến năm 2016.
Nghệ thuật sân khấu đặc sắcN
Theo sách “Văn hóa Khmer Nam Bộ” của Nhà xuất bản Hậu Giang thì thủy tổ của nghệ
thuật sân khấu Dù Kê là ông Kru Cô, một người Khmer ở Trà Vinh. Vào khoảng 1920,
ông Kru Cô thành lập gánh hát Dù Kê có tên là “Nhật Nguyệt Quan”, vừa biểu diễn
phục vụ, vừa truyền bá và đào tạo diễn viên cho bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.
Tuy nhiên, cũng có một số bô lão Khmer và những nhà nghiên cứu nghệ thuật Khmer,
cho biết: Vào thập niên 1920, tại chùa Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) có một
chú Tiểu tên là Kê rất mê xem hát Hồ quảng. Sau khi xem xong, chú thường rủ bạn
bè trang lứa đến sân sau của nhà chùa để phân vai biểu diễn, thu hút bà con
Khmer và cả người Kinh đến xem. Mỗi lần đến đây, bà con bảo nhau là đi xem Kê vũ,
tức xem chú tiểu Kê múa hát. Do cách phát âm nên lâu ngày biến âm thành Dù Kê.
Mặc dù chưa có cứ liệu thống nhất về nguồn gốc của người sáng lập sân khấu Dù Kê,
nhưng điều đáng tự hào là ngay sau khi ra đời, sân khấu Dù Kê đã sớm được đồng
bào Khmer đón nhận một cách say mê. Nhiều tài liệu viết về văn hóa Khmer Nam Bộ
cho biết, trong giai đoạn 1920 - 1930, phong trào Dù Kê phát triển rất mạnh ở
Trà Vinh, sau đó lan rộng ra khắp vùng Nam Bộ.
Năm 1960, Tỉnh ủy Trà Vinh đã thành lập Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh. Trải
qua hơn 50 năm thành lập, ngoài các vở diễn mang cốt truyện về truyền thuyết, cổ
tích, thần thoại, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh còn xây dựng hơn 40 vở ca
Dù Kê mang tính xã hội đương thời, dựa theo chuyện có thật đang diễn ra. Trong
đó, đáng kể nhất là vở “ Nghĩa tình trong giống tố”, “Giữ Đền cô Hia”, “Bông
Hồng Trà Vinh”, “Mối tình Bôpha- RạngXây”…
Trong thập niên 60, ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau,… đều
thành lập rất nhiều đoàn hát Dù Kê từ tỉnh đến các xã có đồng bào Khmer sinh
sống. Sức lan tỏa của một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc này còn vượt ra
ngoài biên giới đến nước bạn Campuchia, và được người dân xứ sở chùa Tháp đặt
cho một tên mới là “Lkhôn Ba Sắc” (kịch hát hình thành từ sông Hậu).
Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương Phó Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật các dân tộc
thiểu số Việt Nam, nhận xét: “Xem Dù Kê, người ta cảm nhận các nghệ nhân Dù Kê
Khmer hầu hết đều có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh chẳng khác nào là người có
học thức sâu rộng. Trên thực tế trình độ văn hóa dân tộc của các nghệ nhân Dù Kê
còn rất hạn chế, thậm chí có người hoàn toàn không biết chữ. Vậy mà khi diễn
cương (không kịch bản) họ đã thể hiện ứng xử, đối đáp trên sân khấu một cách
thông minh, bao giờ cũng mang đậm chất văn thơ, làm cho khán giả cứ nghĩ rằng
người nào cũng rất giỏi về ngôn ngữ văn học Khmer.
Nỗ lực bảo tồn
Tuy được khẳng định là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, một di sản văn hóa
phi vật thể của dân tộc, nhưng hiện tại sân khấu Dù Kê đứng trước bờ vực mai một.
Khó khăn lớn nhất của các đoàn nghệ thuật Dù Kê hiện nay chính là nhân nguồn
nhân lực đang nằm trong tình cảnh “tre già mà măng chưa mọc". Hầu hết các đoàn
nghệ thuật Dù Kê hiện có tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, các diễn viên chủ yếu là
học theo cách truyền nghề. Các đoàn nghệ thuật Dù Kê còn rất nghèo về các vở
diễn mới gần gũi với cuộc sống, có tính giáo dục cao để hấp dẫn người xem. Theo
Nhà báo Phạm Phi Thường - Giám đốc VTV Cần Thơ: VTV Cần Thơ rất quan tâm quảng
bá loại hình nghệ thuật này. Nhưng hơn 20 năm qua, trong số 90 vở Dù Kê đã thu
hình, đến nay số lượng vở tuồng được sáng tác mới chỉ đếm trên đầu ngón tay,
trong số này chỉ có duy nhất 2 vở viết về xã hội đương đại”.
Theo soạn giả giả Thạch Muni, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Tôn Giáo, Ban Chỉ đạo
Tây Nam Bộ, hiện nay đa số các nghệ nhân Dù Kê từ bầu gánh hát đến soạn giả,
diễn viên, nhạc công, phục vụ có mức thu nhập rất thấp. Chính vì thế, không ít
người trẻ tuổi có năng khiếu, hiểu biết nhưng vẫn “quay mặt” với sân khấu Dù Kê.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã và đang nỗ lực triển
khai các hoạt động để đưa sân khấu Dù Kê đến với con đường phát triển đỉnh cao,
xứng tầm là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Bài và ảnh: Phúc Sơn (Nguồn: baotintuc.vn)