Tập trung giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
10:51 AM 18/12/2013 | Lượt xem: 1696 In bài viết |Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững nói chung, công tác giảm nghèo ở dân tộc thiểu số nói riêng, trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi so với vùng đồng bằng và đô thị.
Thành phố Hà Nội đang áp dụng chuẩn nghèo cao gấp 1,4 đến 1,5
lần chuẩn nghèo do Trung ương quy định. Cụ thể, thành phố trợ cấp xã hội hàng
tháng cho trên 140.000 đối tượng bảo trợ xã hội, mức 350.000 đồng/người/tháng (mức
của Trung ương là 180.000 đồng/người/tháng). Trợ cấp hàng tháng cho trên 8.000
người già yếu không có khả năng tự phục vụ; người mắc bệnh hiểm nghèo không có
khả năng lao động là thành viên thuộc hộ nghèo, mức 350.000 đồng/người/tháng (chính
sách riêng của Thành phố).
Hà Nội hỗ trợ đầu tư đường dây điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện của các
hộ nghèo đang sinh sống tại 15 xã miền núi, giữa sông; hộ nghèo có thành viên
đang hưởng trợ cấp xã hội thuộc diện người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật,
người tâm thần, mức hỗ trợ 720.000 đồng/hộ. Thành phố áp dụng chính sách tín
dụng ưu đãi cho vay: Giải quyết việc làm; sản xuất kinh doanh, dịch vụ; nuôi bò
sinh sản; xây dựng nhà ở.... với phí 0,3% (hộ nghèo, người khuyết tật) và 0,4%
(hộ cận nghèo).
Thành phố cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo
trợ xã hội, người dân các xã thuộc chương trình 135; thực hiện miễn giảm học
phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khu vực miền núi, xã giữa sông. Người
nghèo được học nghề theo chương trình đào tạo nghề nông thôn, được hỗ trợ tạo
việc làm ...
Trên địa bàn Thành phố hiện có 14 xã thuộc vùng dân tộc, miền núi tại 05 huyện
(Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ), với 65.624 người dân tộc thiểu
số. Tại đây có 2.675 hộ nghèo (chiếm 4,6% tổng số hộ nghèo toàn thành phố và
chiếm 10,87% tổng số hộ trong vùng). Để thực hiện giảm nghèo vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, miền núi, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày
31/10/2011 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi của
Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2015”. UBND Thành phố đã ban hành một số kế
hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung.... Điển hình, để hỗ trợ trực
tiếp cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo mua nguyên vật liệu vật tư, phục
vụ đời sống, sản xuất (theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg), Thành phố áp dụng mức
hỗ trợ cao gấp 2 lần mức hỗ trợ của Trung ương, cụ thể 150.000 đồng/người/năm
(xã miền núi khu vực II) và 200.000 đồng/người/năm (xã miền núi khu vực III),
kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng/năm; thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho
trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 (theo Quyết định số 239/QĐ-TTg), từ năm 2010
đến 2013, đã có 12.267 lượt trẻ là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 76% tổng
số trẻ em của Thành phố được hỗ trợ, với kinh phí gần 7 tỷ đồng.
Ngoài chính sách miễn giảm học phí (theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP), Thành phố
còn miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có cha mẹ thường trú tại
các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã miền núi và xã giữa
sông. Kết quả, từ năm 2010 - 2012, đã có 44.843 lượt em là người dân tộc thiểu
số, chiếm 69% lượt học sinh với tổng kinh phí thực hiện là gần 15 tỷ đồng; thành
phố hỗ trợ nhà ở cho 188 hộ theo Chương trình 134 với kinh phí gần 17 tỷ đồng;
đồng thời, hỗ trợ công trình nước sinh hoạt phân tán cho 246 hộ và 21 công trình
nước sinh hoạt tập trung, với gần 15 tỷ đồng; bố trí 900 tỷ đồng để hỗ trợ đầu
tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo Nghị quyết số
06-NQ/TU của Thành ủy...
Với nhiều giải pháp hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 7,52% (đầu năm
2011) xuống 3,6% (đầu năm 2013). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng dân
tộc, miền núi giảm từ 18,55% (năm 2011) xuống còn 10,71% (năm 2013). Thu nhập
bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc, miền núi tăng từ 8,5 triệu
đồng/người/năm (năm 2011) lên 9,5 triệu đồng/người/năm (năm 2013). Phấn đấu đến
cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo khu vực đồng bào dân tộc, miền núi còn dưới 8%.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa
đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, trong thời gian tới, Hà Nội lồng ghép chương
trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của Thành
phố; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính
quyền, người dân về thực hiện giảm nghèo bền vững, tránh việc trông chờ, ỷ lại
vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân trong
thực hiện chính sách giảm nghèo. Thành phố ưu tiên nguồn lực để thực hiện các
chính sách đặc thù đối với các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, các xã có tỷ
lệ hộ nghèo cao.
Bên cạnh các chính sách tổng thể như: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh
chương trình xây dựng nông thôn mới..., Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng
bộ, có hiệu quả các giải pháp tạo việc làm, thu nhập ổn định để giảm nghèo bền
vững như: Dạy nghề, giới thiệu việc làm, tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình
giảm nghèo hiệu quả; đồng thời, duy trì các chính sách đảm bảo an sinh xã hội
như: Chính sách về y tế, hỗ trợ giáo dục, trợ cấp hàng tháng, trợ giúp khác...
để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách về mức
sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số so với đồng bằng và đô thị trong thời gian
tới./.
Trung Anh (Nguồn: CPV)