Nên cân nhắc việc bổ sung chế định ly thân vào Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi)
10:28 AM 26/11/2013 | Lượt xem: 3318 In bài viết |Sáng 26/11, Quốc hội thảo luận ởhội trường về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Theo đó, các đại biểutập trung thảo luận về điều kiện hôn nhân; việc nam, nữ chung sống với nhau nhưvợ chồng mà không đăng ký kết hôn; chế độ tài sản của vợ chồng; chế định lythân; vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Bàn về chế định ly thân trong dự án Luật, nhiều đại biểu cho rằng, nên cân nhắc việc bổ sung chế định ly thân vào dự thảo Luật vì chưa đủ căn cứ thực tế. Theo đại biểu Lê Văn Hoàng (TP Đà Nẵng), khó xác định được một cặp vợ chồng đang ly thân, đây là quan hệ riêng tư chỉ 2 vợ chồng mới hiểu được. Do đó, cần phải cân nhắc để tránh đưa vào Luật rồi không ai thực hiện. Mặt khác, đại biểu cho rằng ly thân không trầm trọng như ly hôn mà chỉ là chia cắt về mặt tình cảm, còn các quan hệ khác không thay đổi, không chấm dứt quan hệ con cái, quan hệ tài sản và quan hệ 2 bên nội ngoại, thế nhưng dự thảo Luật gần như đánh đồng giữa ly thân và ly hôn khi quy định các vấn đề liên quan, như vậy chẳng khác nào xem ly thân là một bước để tiến tới ly hôn, trong khi ly thân không cần phải tuyên bố.
“Quy định ly thân trong dự thảo Luật không những không góp phần ổn định cuộc sống vợ chồng mà còn làm suy yếu, dễ dẫn đến đổ vỡ, do đó nên cân nhắc không nhất thiết đưa vấn đề ly thân vào trong dự thảo” – đại biểu Lê Văn Hoàng nhấn mạnh.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) và nhiều đại biểu khác nhất trí tuổi kết hôn của nam, nữ là phải đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản pháp luật Việt Nam; phù hợp quy tắc bình đẳng giới được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật bình đẳng giới và các công ước quốc tế; chống được mẫu dập khuôn vai trò của nam và nữ trong hôn nhân gia đình, cũng như tất cả các lĩnh vực trong pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đồng tình quy định chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, trước hết bảo đảm quyền định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình, hơn nữa cho phép vợ chồng tự bảo đảm tài sản riêng của mình, giảm hoặc tránh xung đột tài sản khi ly hôn, và giúp tòa án xác định được tài sản chung, riêng của vợ chồng khi ly hôn được thuận lợi hơn. Mặt khác, chế độ tài sản của vợ, chồng theo thỏa thuận sẽ giảm thiểu được rủi ro khi cả 2 vợ chồng cùng tham gia hoạt động kinh doanh. Như vậy, ngoài tài sản vợ chồng quy định theo pháp luật thì quy định chế độ tài sản theo thỏa thuận là cần thiết. Tuy nhiên, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải chặt chẽ, đảm bảo tính xác thực, tránh lợi dụng tẩu tán tài sản, tham nhũng.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp.
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với tỷ lệ 88,35% số đại biểu tán thành./.
Mỹ Anh (Nguồn: CPV)