Người thầy nơi Cổng trời Mang Yang

03:56 AM 20/11/2013 |   Lượt xem: 2633 |   In bài viết | 

Người thầy này luôn say mê nghiên cứu, tìm tòi và truyền dạy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar. Đặc biệt, với thầy, tiếng cồng chiêng của người Bahnar như tiếng gọi "hồn thiêng" nơi Cổng trời Mang Yang. 

Năm 1984, thầy giáo Lê Hữu Phong từ tỉnh Hưng Yên chuyển vào công tác tại huyện Mang Yang và được cử làm Hiệu trưởng trường trung học cơ sở xã Kon Chiêng vào năm 1987. Tình cờ vào một đêm, thầy đã nghe được tiếng cồng chiêng của người Bahnar trong dịp tế người chết ở một làng thuộc vùng sâu xa. Thầy đã quyết tâm tìm đến tận nơi để nghe và tìm hiểu. Thầy Phong tâm sự: Lúc bấy giờ tiếng cồng chiêng còn quá mới mẻ đối với tôi bởi lần đầu tiên được nghe, song trong tôi đã cảm nhận được những giá trị về cội nguồn dân tộc, về bản sắc văn hóa độc đáo của người Bahnar cần phải giữ gìn và phát huy. 

Từ đó, thầy Phong đã dành thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu loại hình văn hóa này. Ban đầu, thầy học cách đánh cồng chiêng ở các nghệ nhân và chỉ trong thời gian ngắn đã sử dụng khá thành thạo của các bài chiêng truyền thống của người Bahnar. Sau đó, cứ nghe thông tin ở buôn làng nào có hoạt động cồng chiêng là thầy có mặt để thưởng thức, thậm chí xin cùng được tham gia. Thấy một số buôn làng trong huyện thiếu cồng chiêng để sử dụng trong các ngày lễ hội, thầy đến những nơi có thể tìm được những bộ cồng chiêng theo dạng "đồng nát" để mua về chỉnh sửa. 

Từ năm 2007 đến nay, thầy Phong đã sưu tầm được 11 bộ cồng chiêng và mời nghệ nhân Nay Phai về chỉnh âm hoàn thiện rồi ủng hộ cho các buôn làng, các đơn vị trường học có nhu cầu lưu giữ và sử dụng cồng chiêng. Thầy Phong còn nghiên cứu tìm hiểu nhiều loại hình văn hoá dân tộc khác nữa như múa xoang, hát đồng giao... đặc biệt là chữ viết và tiếng nói của người Bahnar. 

Thầy đã viết được 2 tập thơ, sưu tầm hàng trăm câu chuyện nói về Bác Hồ để dịch ra tiếng Bhanar phục vụ cho công tác tuyên truyền thực hiện việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", sáng tác 10 bài hát ca ngợi quê hương, đất nước và con người Mang Yang. 

Thầy cũng là Chủ biên cuốn Từ vựng đối chiếu Việt - Bahnar do Nhà xuất bản văn hoá dân tộc phát hành, chủ biên 2 cuốn sách học tiếng Bahnar và hướng dẫn giảng dạy tiếng Bahnar cho cán bộ, công chức đang công tác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh. 

Hiện, thầy Phong đang hoàn thành 2 cuốn "Luật tục và lễ hội của người Bahnar" và cuốn "Sự tích núi Chiêng"; tham gia nghiên cứu các đề tài "Từ điển phương ngữ Bahnar - Việt" (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh là chủ đề tài), "phương pháp dạy và học cồng chiêng của đồng bào Bahnar - J'rai" (Trường Trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh làm chủ đề tài). 

Những "vốn liếng" các bản sắc văn hoá dân tộc của người Bahnar nơi Cổng trời Mang Yang mà thầy giáo Lê Hữu Phong tiếp thu được, không những chỉ để nghiên cứu mà còn truyền đạt lại cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh dân tộc trong các trường học bán trú, nội trú. Trong những năm thầy Phong công tác ở các trường trung học cơ sở Kon Chiêng, Lơ Pang, trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện..., các trường này đều đưa các môn văn hóa dân tộc vào các buổi dạy ngoại khóa. Nhiều em học sinh ra trường đã truyền dạy lại cho các thanh thiếu niên trong làng, tham dự những cuộc thi Liên hoan cồng chiêng cấp huyện, cấp tỉnh, cấp ngành đều đoạt giải cao.

Văn Thông (Nguồn: baotintuc.vn)