Festival Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long  

10:16 AM 18/11/2013 |   Lượt xem: 2119 |   In bài viết | 

Đua ghe Ngo và Oóc Om Bóc (cúng Trăng) là một trong những Lễ hội lớn, truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, được tổ chức hằng năm vào rằm tháng 10 (âm lịch); Lễ hội có ý nghĩa rất quan trọng với đồng bào Khmer nhằm tỏ lòng biết ơn của con người đối với Trăng, thiên nhiên, các vị thần đã bảo vệ mùa màng, chào mừng vụ mùa bội thu, bảo vệ cuộc sống con người, đồng thời là tiễn nước, chào đón Trăng, bày tỏ ước vọng, cuộc sống bình an.

Năm nay, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan cùng các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Festival được tổ chức nhằm vừa giới thiệu về đất nước và con người tỉnh Sóc Trăng, tạo nên sự phong phú, hài hòa của lễ hội, mang đậm nét văn hóa vùng miền, văn hóa các dân tộc sinh sống ở Sóc Trăng cũng như trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long, vừa để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.

Ngoài hoạt động chính đua ghe Ngo theo truyền thống, cùng với phần chương trình khai mạc, bế mạc Festival với quy mô và sự trang trọng, Festival còn có các hoạt động rất phong phú, bổ ích mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer cùng các dân tộc khác rất đặc sắc như: Hội chợ Thương mại và triển lãm; Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa; Trò chơi dân gian; Hội thao dân tộc; Triển lãm ảnh “Sóc Trăng xưa”; Ca múa nhạc tổng hợp; Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ nhất; Lễ cúng Trăng - Ooc om boc; Hội thi Lôi Protip (thả đèn nước) và Hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa giữ vị trí điểm nhấn trong toàn bộ Festival.

Festival đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng lần thứ I năm 2013 quy tụ 61 đội ghe Ngo với 3.000 vận động viên đến từ các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tp.Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, trong đó có 49 đội nam và 12 đội nữ tham gia tranh tài ở cự ly 1.200 mét (nam) và 1.000 mét (nữ). Các hoạt động hỗ trợ diễn ra đồng thời cùng với chương trình chính trong suốt thời gian tổ chức Festival đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long.


Vụ Địa phương III