Đưa chữ lên bản Tày

10:39 AM 18/11/2013 |   Lượt xem: 1993 |   In bài viết | 

Bản Đáp là bản xa nhất và khó khăn nhất của xã Nghĩa Đô. Theo ông Hoàng Văn Bóng - Bí thư Đảng ủy xã thì bản Đáp những năm trước đây đường sá đi lại khó khăn, điện và mọi dịch vụ khác đều không có gì. Theo người già nơi đây, bản được hình thành từ đầu thế kỷ thứ 16, khi đó, có một hộ người Tày mang họ Hoàng di cư từ bản Mằng về, mang theo nghề rèn sắt, đến cư trú, lập lò rèn dao, hái, cuốc, rìu, giáo mác cho đồng bào cả vùng. Đặc biệt, mác do hộ này rèn rất đẹp và tốt. Mác tiếng Tày gọi là "ù đáp", nên người ta đặt tên cho nơi đây là Bản Đáp, về sau, dân cư trú đông dần tạo thành bản lớn bên đỉnh Khău Choong. 

Nhọc nhằn con chữ 

Người Tày ở bản Đáp luôn nhớ trong đầu những con số về đường đi học của con em mình. Để đi học mầm non và lớp 1, trẻ đi khoảng 1 km đường núi. Để đi học lớp 3 - 5, bọn trẻ xuống núi khoảng 7 cây số. Học cấp 2 và cấp 3, mất 7 cây số. Những con số tuy không lớn về khoảng cách đường đi nhưng ở vùng cao, đường núi, đường rừng và suối so với những bàn chân nhỏ của bọn trẻ đủ để nói lên sự gian nan về chuyện học ở bản nhỏ này. 

.Anh Hoàng Văn Bạo, Trưởng bản Đáp, cho biết, cách đây hơn chục năm, bản Đáp còn nghèo và thưa thớt lắm. Điện không có, chỉ leo lét đèn dầu trong những căn nhà sàn, đường xuống núi lại khó đi nên tỷ lệ trẻ bỏ học ở bản khá nhiều. Số trẻ đi học ở bản Đáp nhất là học cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không phải đồng bào không muốn cho con em mình đi học mà nhiều cái khó quá khiến cho việc quan tâm đến học chữ của người dân còn khá hạn chế. Khi ấy, bọn trẻ học đến cấp 2 thường hay bỏ học lên núi cao chăn trâu bò và làm nương rẫy. Nhiều lần thầy cô đã cất công lặn lội lên tận bản để vận động song tỷ lệ học sinh xuống núi học chữ vẫn thấp. Chính vì vậy, nơi đây trình độ dân trí thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, tỷ lệ trẻ mù chữ khá nhiều và cuộc sống nghèo nàn như một bài ca buồn theo đuổi bản Đáp đằng đẵng nhiều năm liên tục.

 Sau nhiều năm tuyên truyền và vận động, dần dần, dân bản đã hiểu được vai trò của con chữ đối với cuộc sống nên đã tạo điều kiện cho con em mình đến trường. Để tạo thuận lợi cho con em dân bản được học hành đầy đủ, nhất là ở bậc mầm non và lớp 1, 2, xã Nghĩa Đô đã cho dựng phân hiệu trường mầm non và trường tiểu học ngay tại trung tâm bản - bãi đất bằng phẳng nhất của bản.

 Có phân hiệu, tuy chỉ là nền đất, nhà vách nứa, bàn ghế đơn sơ do dân bản và các thầy cô giáo chung sức dựng lên nhưng bọn trẻ đến độ tuổi mới đi học được học chữ ngay tại bản. Thay phiên nhau, các thầy cô ở trung tâm xã lên “cắm bản” dạy chữ. Bản Đáp ban ngày cũng như ban đêm, khung cảnh tĩnh lặng vì bao quanh chỉ có núi cao sừng sững làm cho ai cũng thấy rợn người. Vậy mà, bao năm nay, các thầy cô giáo đã lặn lội lên bản dạy chữ. Thầy Nguyễn Văn Đên (dân tộc Tày), nhiều năm nay cắm bản để dạy chữ cho con em bản Đáp cho biết, vào những ngày mùa đông giá lạnh, sương mù đặc quánh xung quanh điểm trường thành một màn trắng xóa không nhìn thấy nhà dân, phải đến 8 giờ sáng, học sinh mới đến đủ được. 

Hiện nay, tại phân hiệu có 11 em học sinh dân tộc Tày lớp 1 ghép với lớp 2 được học ngay tại bản cùng với các cháu học mầm non. Thầy Nguyễn Hồng Việt - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Đô cho biết, hằng năm nhà trường và phụ huynh đều tổ chức lên tu sửa lớp học sau nghỉ hè. Nhưng sắp tới, phân hiệu bản Đáp sẽ được đầu tư xây dựng kiên cố. Đó là niềm vui của người dân và bọn trẻ nơi đây vì như thế, thầy và trò sẽ không phải dạy - học trong lớp học tạm như trước nữa.

 Rút dần khoảng cách

 Sau khi hoàn thành chương trình lớp 2, số trẻ học từ lớp 3 đến lớp 9 phải lặn lội xuống núi học tại điểm trường chính. Đường xa tới gần 8 cây số đường núi, bắt buộc các em phải ăn ở tại trường. Hiện nay, trường Tiểu học và THCS Nghĩa Đô đã dựng nhà bán trú cho các em học sinh bản Đáp ăn học tại trường. Tuy nhiên, nhà ở bán trú của học sinh ở hai nhà trường hầu như do phụ huynh và nhà trường chung tay dựng nên. Học sinh bản Đáp ở trường tiểu học còn nhỏ nên việc ăn ở của các em còn khá vất vả.

 Tại trường THCS Nghĩa Đô có 12 em học sinh ở nhà bán trú. Vì đã lớn hơn nên các em tự bảo nhau ăn ở và tự lo nhiều hơn cho mình. Nhà trường hỗ trợ các em về giường ngủ, chăn ấm và dựng bếp nấu ăn riêng. Theo lãnh đạo nhà trường thì hiện nay các em đều được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt của Nhà nước do vậy, sĩ số ổn định hơn trước, các em không đòi đi về bản như năm trước. 

Cách đây gần chục năm, xã có trường cấp 3 ngay tại trung tâm nên sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh bản Đáp không phải lặn lội ra trung tâm huyện để học THPT nữa. Giờ các em yên tâm học cấp 3 ngay tại xã và nhiều em đi học nghề, học cao đẳng đại học sau khi tốt nghiệp. Theo trưởng bản thì những năm gần đây, số học sinh của bản Đáp đi học chuyên nghiệp đã tăng lên đáng kể. Hiện bản có 5 em đi học đại học và cao đẳng, 6 em học trung học chuyên nghiệp các ngành nghề. Nhiều em sau khi học đã về xã để làm việc và làm cán bộ của bản. Điều này đã minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của học sinh bản Đáp và sự nhận thức về chuyện học của người dân nơi đây.

 Bản Đáp hôm nay đã thay đổi hơn trước nhiều. Theo trưởng bản Hoàng Văn Bạo thì nhờ có con chữ, trình độ dân trí của bản ngày càng được nâng lên, kinh tế của người dân ngày càng ổn định, số hộ nghèo giảm đi đáng kể. Hiện nay, đường và điện đã rút ngắn khoảng cách của bản Đáp với trung tâm xã và huyện. 

Bản Đáp hôm nay khoác trên mình chiếc áo mới. Đó là chiếc áo của sự ấm no hạnh phúc bao bọc trên một bản làng vốn đói nghèo lam lũ từ bao năm nay. Trẻ em bản Đáp ngày đêm lặn lội xuống núi học chữ mong một ngày mai tươi sáng. Tuy còn nhiều gian nan phía trước nhưng sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền sẽ giúp cho con chữ nơi đỉnh Khău Choong thêm ấm lòng.

Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng (Nguồn: baotintuc.vn)