Nghi lễ Cấp sắc, hát Páo dung là Di sản văn hóa

04:45 AM 12/11/2013 |   Lượt xem: 3067 |   In bài viết | 

Lễ Cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao tỉnh Tuyên Quang. Theo quan niệm của người Dao, lễ Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng: Thầy cúng, ông mối làng… Lễ Cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm. Lễ Cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như: Lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên… 

 Còn Hát Páo dung là điệu hát dân ca của dân tộc Dao. Ở từng nhóm người Dao khác nhau thì điệu Páo dung cũng có sự khác nhau trong biểu diễn. Páo dung ở các nhóm người Dao Quần Trắng, Áo Dài ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn… là âm điệu kéo dài, trầm. Người Dao Đỏ, Dao Tiền ở huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Dao Quần Chẹt ở huyện Sơn Dương có làn điệu bổng. Các làn điệu Páo dung của người Dao đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Hát Páo dung có nhiều thể loại như hát giao duyên, hát răn dạy, hát uống rượu, hát tiễn đưa. Hát giao duyên là để trai gái tìm hiểu nhau. Thời gian tổ chức hát thường vào lúc nông nhàn, khi Xuân về, Tết đến.

 Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với UBND các huyện xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại các thôn, bản, các xã, huyện đúng với truyền thống và theo nguyện vọng của người dân.

 Như vậy, tính đến nay tỉnh Tuyên Quang có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là Nghi lễ hát Then, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; Hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao.

 

Vũ Quang Đán