'Giữ lửa' cho dân ca đồng bào Ê Đê

03:51 AM 30/10/2013 |   Lượt xem: 2327 |   In bài viết | 

Ngoài các lễ hội, lễ tục, nghề truyền thống như: cúng mừng sức khỏe, sum họp cộng đồng, đan lát, dệt thổ cẩm, múa dân tộc… thì hát dân ca dân đồng bào Ê Đê xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút) cũng đang được triển khai thực hiện khôi phục. 

Dù cộng đồng người Ê Đê không phải là dân tộc tại chỗ chiếm số lượng lớn như dân tộc M’Nông, Mạ, nhưng họ lại có một kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc riêng. Trong đó dân ca Ê Đê đang được nhiều lứa tuổi biết đến và ngày càng phổ biến. 

Ngày xưa ca dao, dân ca chủ yếu được truyền miệng, sinh hoạt cộng đồng, nhưng ngày nay thế hệ trẻ lại có xu hướng “tây hóa”, vì thế những lớp học hát dân ca ở Buôn Nui (xã Tâm Thắng) là rất thiết thực. 

Ông Ngô Lãm, Trưởng phòng văn hóa huyện Cư Jút tâm sự: “Cộng đồng dân tộc Ê Đê có một kho tàng văn hóa đặc sắc, trong đó hát dân ca  nhưng có nguy cơ biến mất. Tuy nhiên nhờ sự ý thức, nhận thức của những người có uy tín, già làng trong buôn đã phối hợp với ngành văn hóa của tỉnh trực tiếp truyền dạy lại cho các thế hệ tiếp theo nhằm gìn giữ, phát huy tiếng hát của dân tộc mình. Nhờ đó, số người biết hát dân ca hiện nay trong cộng đồng dân tộc thiểu số Ê Đê ngày càng nhiều. Đặc biệt, lớp trẻ đã nhiệt tình thăm gia các lớp học dân ca khi tổ chức tại các buôn mỗi khi có lớp”. 

Thanh thiếu niên dân tộc Ê Đê trong buôn theo học hát dân ca vào những ngày cuối tuần, với các bài hát tiêu biểu như: Hát ru con, Đối đáp Ay Ray, Chim K’Trao cao nguyên, Ru em, Lời kêu gọi, Gọi cháu về… Đồng thời được chỉ dạy cách nghe, hiểu về những tiết tấu, nhịp điệu cồng chiêng và các loại nhạc cụ đi kèm hát dân ca Ê Đê. 

Em H’Mail Êya (13 tuổi) cho biết: “Dân ca dân tộc có rất nhiều bài hát hay nên em theo học để biết và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà ông bà đã để lại”. 

Các thể loại hát gồm: hát dân ca, hát điệu k’ứt, hát đối đáp ay ray… được các nghệ nhân là người dân tộc Ê Đê trong buôn trực tiếp truyền dạy. Họ cũng chính là những người “giữ lửa” tiếp bước từ cha ông đến con cháu sau này; đồng thời là “cầu nối” quan trọng cho nền văn hóa của dân tộc sẽ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Hiện nay “Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Đắk Nông” đang được tái hiện, phát huy, gìn giữ trong cộng đồng không chỉ riêng người dân tộc Ê Đê. 

Qua các chương trình thực tế, việc dạy dân ca là việc làm cần thiết nhằm gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đề án đang mang lại làn gió mới trên chặng đường khôi phục, gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ tránh bị mai một trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

K’GỬIH (Nguồn: baotintuc)