Tết Trung thu: Vẫn là “chuyện lạ” với trẻ em nghèo

02:40 AM 12/09/2013 |   Lượt xem: 1698 |   In bài viết | 

Ước mơ có Tết Trung thu

Trung thu là gì? Đây là câu hỏi rất tự nhiên của con trẻ huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) và huyện Kì Sơn (Nghệ An). Chúng tôi phải giải thích khá lâu, các em mới lờ mờ hiểu ra rằng Trung thu là ngày tết của trẻ em, là ngày các em được ăn bánh ngon, được rước đèn ông sao dưới ánh trăng sáng, được múa hát, vui chơi cùng nhau... Nhưng rồi, có lẽ những điều giải thích của chúng tôi là thừa, bởi nhìn các em nhỏ miền núi này cơm ăn còn chưa đủ no, áo mặc còn vá rách, sách bút, trường lớp còn chưa có đủ thì lấy đâu ra những thứ mà chúng tôi kể.

Hiện nay, số trẻ em nghèo còn chiếm một số lượng lớn, chủ yếu ở miền núi, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Vào những ngày cận Tết Trung thu, ở phố phường, người ta dễ dàng bắt gặp những quầy bán bánh trung thu với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica... với giá của một chiếc bánh nướng hay bánh dẻo loại 150 gam cỡ từ 30.000 đồng trở lên, thậm chí những hộp bánh bằng thu nhập nhiều tháng, hay cả năm của hộ gia đình vùng cao. Thế nên, nhiều em chưa một lần nào được thưởng thức hương vị của chiếc bánh Trung thu bình dân, đi rước đèn, phá cỗ đêm trăng, nói chi đến sắm đồ chơi cho riêng mình. Chúng tôi biết rằng rất nhiều trẻ em ở miền núi trên khắp đất nước ta, các em sau giờ đi học phải về lao động sản xuất giúp gia đình, không ít em bữa ăn chỉ có rau rừng, thậm chí có những bữa phải nhịn đói vì nhà không còn gạo, áo ấm mùa đông còn thiếu, lấy đâu ra điều kiện để các em có một mùa Trung thu, cho dù với trẻ em nghèo chỉ ước mơ giản đơn là chiếc đèn ông sao và cùng các bạn rước trong ánh trăng lấp lánh mỗi đêm rằm.

Hãy quan tâm nhiều hơn đến trẻ em dân tộc thiểu số

Để Tết Trung thu đến với trẻ em mọi miền, nhất là con em dân tộc thiểu số và trở thành hoạt động thường niên mang tính truyền thống, nhân văn tốt đẹp của dân tộc, đồng thời thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đối với trẻ em, nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai tốt các hoạt động vui đón Tết Trung thu năm 2013. Trong đó, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, được chỉ đạo phải quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để tất cả trẻ em được đón Tết Trung thu tại cộng đồng vui vẻ, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Việc tổ chức Tết Trung thu cộng đồng nhằm mục đích chính là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em...

Ví như, tỉnh Nghệ An giao cho các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị tổ chức các hoạt động Tết Trung thu thiết thực và tiết kiệm, thu hút trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh và thân thiện; thăm, tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp với UBND huyện Tương Dương tổ chức điểm tết Trung thu cho trẻ em vào ngày 17/9/2013 với chủ đề “Vui Trung thu với trẻ em nghèo”; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh sẽ tổ chức huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, tặng quà, cấp học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Ở tỉnh Phú Yên, bên cạnh các hoạt động đón Tết trung thu còn tổ chức thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp bước vào năm học mới trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh miền núi Gia Lai sẽ triển khai tốt các hoạt động vui đón Tết Trung thu an toàn, lành mạnh, thân thiện, tiết kiệm và bổ ích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa, đồng thời động viên trẻ em bước vào năm học mới 2013 - 2014 với tinh thần vượt khó, học giỏi.

Một mùa Tết Trung thu nữa đã về, mong sao các cấp chính quyền, các đoàn thể hết sức quan tâm đến ngày hội lớn của tuổi thơ. Nhưng mong sao cộng đồng quan tâm trước hết và nhiều hơn đến trẻ em nghèo ở vùng quê, đặc biệt nhất là con trẻ ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Những phần quà tuy nhỏ, nhưng sẽ có một ý nghĩa lớn với các em trong Tết Trung thu.

Một mùa Tết Trung thu nữa đã về, mong sao các cấp chính quyền, các đoàn thể hết sức quan tâm đến ngày hội lớn của tuổi thơ. Nhưng mong sao cộng đồng quan tâm trước hết và nhiều hơn đến trẻ em nghèo ở vùng quê, đặc biệt nhất là con trẻ ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Những phần quà tuy nhỏ, nhưng sẽ có một ý nghĩa lớn với các em trong Tết Trung thu.

PV (Nguồn: Báo Công thương)