Người giữ gìn văn hóa DaoTiền ở Bản Bung, Bắc Kạn
05:05 AM 08/07/2013 | Lượt xem: 2477 In bài viết |Bản Bung vốn có 100% dân số là người Dao Tiền nhưng nay tỷ lệ này là 95%, do nhiều chàng trai người Dao ở đây đã lấy vợ là các cô gái dân tộc Tày. Toàn thôn hiện có 77 hộ, với 344 khẩu. Do thời gian dài trước đây các hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa được chú ý nên nhiều điệu hát, điệu múa, nghi lễ...vốn là nét đẹp truyền thống của người Dao Tiền ở đây bị mai một. Đến năm 1997, thời điểm tái lập tỉnh Bắc Kạn, ông Đặng Xuân Thanh là người Dao Tiền đầu tiên ở Bản Bung đứng ra thành lập đội văn nghệ của thôn nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Khôi phục và giữ gìn văn hóa dân tộc mình
Ông Thanh tâm sự: “Sự hòa đồng các dân tộc là tốt lắm, nhưng dân tộc mình có cái riêng của mình, phải giữ nó, nếu không giữ được thì mai sau con cháu mình nó không biết gì về truyền thống, về văn hóa, nguồn cội của mình”.
Với suy nghĩ muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình thì
trước hết phải có phong trào, có người đam mê, nhiệt huyết văn nghệ, ông Thanh
đã thành lập đội văn nghệ thôn Bản Bung, tập hợp được những người cao tuổi hiểu
biết, còn nhớ những phong tục, những làn điệu dao duyên, những bài hát đối trong
các lễ hội, như hội xuân, lễ tết, cầu mùa… truyền dạy lại cho lớp trẻ.
Nhờ sự chỉ dạy, giúp đỡ tận tình của các già làng mà Đội văn nghệ thôn Bản Bung
đã hoạt động hiệu quả. Gần như các nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân
tộc Dao Tiền đều được khôi phục và truyền dạy lại cho con em trong bản, nhất là
những câu hát đối của đôi nam nữ tìm hiểu trao duyên và điệu múa Cầu mùa. Điệu
múa Cầu mùa của Đội văn nghệ Bản Bung thường được biểu diễn ở cả những Hội xuân
của tỉnh, Hội xuân Ba Bể. Đặc biệt, tiết mục này của Đội đã giành Huy chương
Vàng ở Hội diễn nghệ thuật quần chúng tại Ninh Bình vào năm 1997.
Ngoài hát đối của đôi nam nữ tìm hiểu trao duyên và múa Cầu mùa, người Dao Tiền
còn có nhiều điệu múa, hát khác như Slien, hát và múa Được mùa, Vào mùa, Giã
gạo, các nghi thức, bài khấn trong Lễ cấp sắc của người Dao nói chung và người
Dao Tiền nói riêng. Theo ông Thanh, hiện nay, chỉ còn điệu múa bắt ba ba - một
điệu múa truyền thống của người Dao tiền, là vẫn chưa khôi phục lại được và ông
đang cùng các cụ cao niên trong bản sưu tầm để phục dựng lại.
Người Dao Tiền ở Bản Bung vẫn giữ được những trang phục truyền thống của mình.
Họ vẫn tự trồng bông, dệt vải, in hoa văn theo cách riêng ngàn đời của người Dao
trên nhiều trang phục truyền thống, như: áo váy phụ nữ Dao, áo choàng dài, mũ
mào gà, khăn, xà cạp thêu hoa văn độc đáo. Trong các ngày hội, lễ, tết, người
Dao ở đây vẫn mặc trang phục của dân tộc mình.
Hai vợ chồng đều cùng tham gia bảo tồn
Bà Triệu Thị Huyền- vợ ông Thanh, cũng là người nhiệt tình tham gia đội văn nghệ
Bản Bung. Hai vợ chồng ông Thanh thường biểu diễn hát đối dao duyên, múa những
điệu Sliên, hát và múa phụ họa các tiết mục Được mùa, Giã gạo trong những lần
Đội văn nghệ xã tham gia biểu diễn tại các lễ hội của xã, của thôn hoặc cùng
tham gia Hội diễn văn nghệ của tỉnh và khu vực.
Theo bà Huyền, người phụ nữ dân tộc Dao Tiền rất coi trọng trang phục. Mặc quần
áo, đội mũ, quấn khăn truyền thống của dân tộc mình là niềm hạnh phúc, tự hào.
Đi lễ hội, đi thăm nhau vào dịp tết, nhất là dự lễ cưới hỏi của người thân, của
người trong bản mà không mang trang phục của dân tộc mình thấy ngại lắm, không
tự tin. Vì thế, bà Huyền rất chú ý giữ gìn trang phục của dân tộc mình.
Hiện ở nhà ông Thanh vẫn lưu giữ được trống, chiêng, tù và, chập cheng...là
những nhạc cụ truyền thống của người Dao Tiền, được xếp đặt ở vị trí tốt nhất.
Gia đình ông cũng duy trì sử dụng ngôn ngữ dân tộc Dao trong giao tiếp hằng
ngày; đồng thời, vận động đồng bào trong bản cùng giữ gìn, phát huy ngôn ngữ của
dân tộc mình.
Ông Thanh cho rằng muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Dao nói
riêng và văn hóa các dân tộc nói chung một cách bền vững thì cần được sự quan
tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa của các cấp ủy đang, chính quyền; đầu tư
kinh phí thích đáng cho việc tuyên truyền, sưu tầm, khôi phục, duy trì và phát
huy các giá trị văn hóa truyền thống./.
(Theo TTXVN)