Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc - Quốc hội khóa XIII làm việc tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
08:48 AM 05/07/2013 | Lượt xem: 1897 In bài viết |Ngày 3/7/2013, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với huyện Mèo Vạc và xã Pả Vi về tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh ngành học mầm non và tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham gia Đoàn công tác có bà
Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam; Lãnh đạo huyện Mèo Vạc;
Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện; Lãnh đạo xã Pả Vi cùng Hiệu trưởng
các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Mèo Vạc.
Tại buổi làm việc, Đoàn công
tác đã được nghe UBND huyện Mèo Vạc báo cáo về kết quả thực hiện chính sách hỗ
trợ đối với học sinh mầm non và tiểu học tại huyện. Theo đó, việc tuyên truyền
phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật của nhà nước được huyện Mèo Vạc chỉ
đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị
trường học quan tâm, chú trọng, đảm bảo chế độ của nhà nước phải đến với đối
tượng thụ hưởng. Xây dựng kế hoạch, chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ
trẻ em phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của địa phương. Các xã, thị trấn
ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho xây dựng trường, lớp học và trồng rau xanh nâng
cao khẩu phần ăn cho học sinh bán trú...
Tính đến hết năm học 2012-2013,
huyện Mèo Vạc đã có 18 trường mầm non với 332 lớp, nhóm lớp với 6050 cháu, trong
đó học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm 5871 cháu; 18 trường Tiểu học có 505
lớp với 8.919 học sinh, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm
98,52%. Từ năm học 2010-2011 đến hết năm học 2012-2013 đã chi trả chế độ chính
sách cho 6984 học sinh mầm non với kinh phí 7.544.205.000 đồng; hỗ trợ tiền ăn
cho 6.879 học sinh tiểu học với 41.731.735.000 đồng. Triển khai Nghị định 49 của
Chính phủ, huyện đã hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh mầm non và tiểu học trên
địa bàn với kinh phí hơn 22 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã kịp
thời giải quyết những khó khăn cho học sinh, giúp các em có điều kiện học tập
tốt hơn, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Do đó, trong suốt những năm qua, tỷ lệ huy
động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đều đạt trên 98%, đồng thời huyện Mèo Vạc
cũng đã hoàn thành Đề án phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi được 11/18 xã, thị trấn.
Tại buổi làm việc, huyện Mèo Vạc cũng đã đề xuất một số kiến nghị với Đoàn công tác, như: Cần đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong việc xét duyệt chế độ học sinh theo Nghị định 49, nâng mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ từ 3-5 tuổi từ 120.000 đồng/tháng lên mức hỗ trợ bằng hệ số 0,2%/tháng mức lương tối thiểu để nâng khẩu phần ăn của trẻ tốt hơn; đề nghị UBND tỉnh giao thêm biên chế hợp đồng theo Nghị định 68 để huyện sắp xếp cán bộ phục vụ nấu ăn cho các trường mầm non và trường bán trú.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội biểu dương, ghi nhận những kết quả mà huyện Mèo Vạc đã đạt được, đồng thời chia sẻ những khó khăn của huyện vùng cao. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh: Đối với một huyện miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống như Mèo Vạc thì việc thực hiện các chế độ chính sách như trên là rất cần thiết, giúp nâng cao trình độ dân trí, giảm thiểu học sinh bỏ học cho các xã vùng sâu, vùng xa. Đề nghị huyện Mèo Vạc tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện cho con em đi học và hạn chế công dân đi lao động, làm thuê tự do tại Trung Quốc; Các đơn vị trường học quản lý tốt công tác tài chính, chi trả chế độ chính sách cho học sinh đảm bảo kịp thời, đầy đủ. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ và Bộ GD&ĐT nghiên cứu triển khai mô hình dạy học song ngữ cho học sinh mầm non và tiểu học ở Mèo Vạc.
Quỳnh Lưu