Thanh Hóa: Xót lòng nhìn học trò ăn cơm với muối trắng
11:03 AM 17/04/2013 | Lượt xem: 2648 In bài viết |Đó là tình cảnh cuộc sống hiện nay của các em học sinh Trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Từ thành phố Thanh Hóa, vượt hơn 250km đường đồi núi chúng tôi mới đến được Trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát. Nơi đây được xem là khó khăn nhất của huyện Mường Lát. Không chỉ các em học sinh (HS) mà đời sống của nhiều giáo viên cũng vô cùng thiếu thốn khi phải sống ở một nơi xa trung tâm huyện, không có đường cho ô tô vào, không điện lưới quốc gia, không có sóng phát thanh - truyền hình…
Bình thường cuộc sống của các em đã rất khó khăn, nhưng đến nơi mới thấy được cái khổ của những em HS, nhất là vào tháng 4 - mùa giáp hạt.
Ông Định Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý tâm sự: “Do xã không có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa nước nên hàng năm đồng bào dân tộc nơi đây phải chịu cảnh “đói giáp hạt” từ tháng 4 đến tháng 8. Nhiều gia đình không có gạo để ăn chứ nói gì đến tiền cho con cái học hành. Chính vì điều này mà các cháu HS cũng phải chịu ảnh hưởng từ mùa đói giáp hạt này”.
“Những gia đình đông con có tới 3 đến 4 cháu đi học, nhà lại nghèo nên bố mẹ không biết lấy tiền đâu cho con cái ăn học. Mỗi tháng lo được gạo cho các cháu là cả một vấn đề lớn rồi, nên hàng năm tới mùa giáp hạt, ở đây hay có HS phải bỏ học đi làm rẫy. Chính quyền địa phương cùng các thầy cô giáo đến vận động trở lại trường thì các em nhất quyết nghỉ học để làm rẫy giúp bố mẹ khiến nhà trường rất khó đảm bảo sĩ số của từng lớp” - ông Đại cho biết thêm.
Trường THCS Mường Lý có hơn 200 HS. Do địa hình đồi núi hiểm trở nên phải chia cắt thành 7 điểm trường riêng lẻ. Năm 2009, tại khu trường trung tâm được nhà nước đầu tư xây dựng khu nhà ở bán trú cho HS với hai dãy nhà có 20 phòng cho 160 em ở. Số HS còn lại đều ở xa trường nên phải dựng lều tạm ở bán trú trọ học.
Có lên đây mới thấy được những khó khăn vất vả mà các em HS ở đây đang phải chịu. Bình thường các em đã phải ở lều tranh vách nứa sống trong cảnh thiếu thốn tìm con chữ, nhưng đến mùa giáp hạt, cuộc sống của các em lại càng khó khăn hơn. Chứng kiến cảnh các em HS ở đây ăn cơm với muối trắng và rau rừng khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Bữa cơm đạm bạc trong túp lều tạm bợ với nồi cơm nấu vội không có gì ngoài muối. Em nào may mắn hơn thì mua được ít rau, hay đi hái rau rừng về làm thức ăn qua ngày. Dù không có thức ăn nhưng các em vẫn ăn ngon lành. Một bữa cơm có thịt là ước mơ lớn nhất mà các em HS ở đây mơ ước.
Em Vàng A Lùng, lớp 6B tâm sự: “Mỗi tháng gia đình chỉ cho em 20 nghìn để mua thức ăn với thêm ít lon gạo nữa. Nhà em nghèo lắm, bố mẹ đều phải đi làm nương kiếm cái ăn, tiền lo cho em đi học nữa nhưng cũng không đủ”.
Cũng chung tâm trạng như em Lùng, em Mua Thị Sài, lớp 7B chia sẻ: “Phải trọ học xa nhà mà gia đình lại nghèo nữa nên không có tiền cho em đâu. Tháng bố mẹ cho có 20 nghìn lấy tiền mua thức ăn mà giờ đi mua cái gì cũng đắt. Số tiền này em chỉ mua được ít cá khô để ăn dần rồi mua bó rau cố gắng ăn tiết kiệm cũng ăn được ít ngày. Những ngày sau đó chỉ ăn cơm không thôi, tiền đó em còn phải mua sách vở, mua bút nữa”.
Một mình ở riêng trong một túp lều, em Vàng A Súa, lớp 6A trong túi chỉ còn đúng 5 nghìn đồng. Em Súa không dám mua thức ăn vì có mua cũng chỉ ăn được trong ngày rồi sau đó lại hết tiền. “Bố mẹ mới cho em 10 nghìn nhưng em tiêu gần hết rồi, giờ không dám mua gì nữa. Chịu khó ăn cơm không với muối cũng được chứ mà tiêu hết tiền thì không có tiền mua bút nữa” - em Súa cho biết.
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy giáo Nguyễn Văn Hà - Hiệu phó Trường THCS Mường Lý cho biết: “Hầu hết các em HS trong trường đều là người dân tộc ở các bản xa trường nên phải ở bán trú lại trường. Có em thì được ở trong ký túc xá nhưng có em thì phải dựng lều trọ học. Gia đình các em HS ở đây đều thuộc diện nghèo nên không có tiền cho con ăn học. Thấy các em chỉ ăn cơm không, thầy cô cũng xót lòng lắm nhưng cũng không biết làm gì để giúp các em được”.
Thầy Hà cũng cho biết: “Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho các em HS miền núi, mỗi một tháng, HS ở đây cũng được hỗ trợ một khoản tiền chi phí ăn ở, trọ học thấp nhất là 70 nghìn, nhiều cũng lên đến vài 200 nghìn/em. Nhưng khổ nỗi số tiền mà hàng tháng các em được hỗ trợ đó lại không đến được tay các em”.
“Số tiền các em được hỗ trợ đó mỗi năm học nhà trường chỉ nhận được từ trên vào hai đợt và đem phát cho HS. Có em khi nhận lên đến vài ba triệu đồng nên nhà trường không dám đưa cho các em cầm mà phải gọi phụ huynh đến nhận. Cá phụ huynh khi nhận được số tiền này hầu như không giữ để dành cho con cái học hành mà đem chi tiêu các khoản khác. Chính vì điều này nên các em HS lại phải chịu cảnh thiệt thòi” - thầy Hà giải thích thêm.
Theo Dân Trí [TT: H.T.N]