Những đóng góp của đội ngũ tri thức Chăm tỉnh Bình Thuận trong quá trình phát triển đất nước
01:56 AM 16/04/2013 | Lượt xem: 2654 In bài viết |Dân tộc Chăm tại Bình Thuận hiện có 35.000 người (chiếm 23% dân số Chăm trong cả nước), chủ yếu phân bố tại 4 xã thuần đồng bào Chăm và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện thị, thành phố của tỉnh, với 2 tôn giáo chính Balamôn (17.920 người), Bani (16.280 người).
Trong cộng đồng người Chăm, đội ngũ trí thức góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, thiết chế xã hội bởi chính họ là những người dẫn dắt đồng bào Chăm vượt qua những định kiến hẹp hòi, thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc, đưa cộng đồng Chăm hoà nhập cùng các anh em dân tộc khác ra sức xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh đó, trí thức Chăm còn là những người có học thức, am hiểu nhất định về lịch sử, văn hoá Chăm, có sự hiểu biết về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, đặc biệt về tổ chức sinh hoạt cuộc sống cộng đồng; nhiều người không có bằng cấp, học vị nhưng họ lại thông thạo tiếng nói và chữ viết Chăm, cả trình độ ngoại ngữ, và có mối quan hệ, giao tiếp rộng rãi với các dân tộc khác trong và ngoài tỉnh.
Sau 35 năm giải phóng thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào Chăm, cụ thể: Chỉ thị 121/CT-TW; Thông tri 03/BBT-TW Đảng và Chỉ thị 06/CT-TTg… và lồng ghép các chương trình, dự án và chính sách khác, do vậy đời sống của đồng bào có sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực. Đặc biệt, hệ thống giáo dục cũng như nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trí thức trong vùng đồng bào Chăm có bước phát triển mạnh, hầu hết trí thức Chăm được đào tạo cơ bản và đang từng bước tiến kịp theo yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đến nay tỉnh Bình Thuận có 978 người được xem là đội ngũ trí thức Chăm, trong đó chức sắc tôn giáo: 406 người; nhân sĩ trí thức: 60 người; ngành giáo dục: 316 người; ngành y tế: 130 người; các ngành thuộc cấp Trung ương: 02 người; các ngành thuộc cấp tỉnh: 40 người; các ngành cấp huyện: 36 người; và hơn 200 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, số lượng trí thức Chăm đã và đang theo học các lớp sau đại học và tương đương ngày càng tăng, với 16 người (1 tiến sĩ, 15 thạc sĩ).
Đại bộ phận trí thức Chăm đều có tư tưởng, nhận thức, quan điểm rõ ràng, có trình độ, ý thức tự vươn lên, khả năng tiếp thu, vận dụng các chỉ thị, nghị quyết, quyết định vào tham mưu, điều hành và triển khai thực hiện các chương trình, dự án và các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Chăm.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Thông tri 03 năm 1993 của BBT Trung ương Đảng và 04 năm thực hiện Chỉ thị 06 năm 2004 của Chính phủ về công tác vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới đã phân tích và đánh giá những bước phát triển rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội trong vùng Chăm của cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, một trong những lực lượng có vai trò quan trọng góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đó chính là đội ngũ trí thức Chăm, cụ thể:
Về lĩnh vực kinh tế, đội ngũ trí thức Chăm đã tổ chức, vận động đồng bào áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nhiều vùng Chăm đã phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và phát triển trang trại; nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất và đã tích luỹ được vốn để mua máy cày, máy tuốt lúa, máy xới… Ngoài ra, đội ngũ trí thức Chăm còn tham mưu, đề xuất với trung ương và địa phương tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...) phục vụ đời sống nhân dân. Đến nay 100% các xã Chăm đều có trường học các cấp; 100% đều có trạm y tế và bác sĩ; 100% các xã có đường ô tô thông suốt; có 3 công trình thuỷ lợi lớn phục vụ nước tưới trong sản xuất nông nghiệp cho đồng bào Chăm (hồ Cà giây, hồ Sông Quao, hồ Sông Lòng Song) đã góp phần mở rộng diện tích thâm canh tăng vụ, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; 100% trụ sở làm việc của UBND các xã Chăm được xây dựng và nâng cấp, 100% các xã, thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng… tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững trong vùng đồng bào Chăm.
Đối với lĩnh vực văn hoá, tôn giáo - tín ngưỡng, đội ngũ trí thức Chăm đã góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; thực hiện nếp sống văn hoá, cải tiến các hủ tục lạc hậu, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, giáo dục đạo đức và lối sống cho lớp trẻ, đồng thời tích cực xây dựng và bổ sung thực hiện ương ước về nếp sống văn hoá …
Trên lĩnh vực phát triển giáo dục, đào tạo, họ nhận thức rằng, chỉ có trình độ học vấn cao thì mới phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, do vậy đã tích cực vận động đồng bào Chăm tại địa phương hưởng ứng “Ngày toàn dân đưa con đến trường”, “huy động học sinh trong độ tuổi đến trường”, phổ cập xoá mù chữ, bổ túc văn hoá… Thông qua các cuộc vận động, các xã trong vùng Chăm đã hoàn thành cơ bản chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ cho con em Chăm; trong đó có 4/4 xã thuần Chăm đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Số lượng học sinh Chăm đến trường ngày càng tăng; bình quân các năm bậc tiểu học có 8.709 em; bậc trung học cơ sở 3.424 em; bậc trung học phổ thông 756 em; hằng năm có từ 40- 50 em được xét tuyển vào học các Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang và Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh; 100% xã, thôn đều có Trung tâm học tập cộng đồng. Đội ngũ cán bộ giáo viên trong vùng đồng bào Chăm ngày càng tăng kể cả số lượng và chất lượng, với 316 người, trong đó 213 người có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học còn lại đang được chuẩn hoá.
Về lĩnh vực phát triển chăm sóc sức khoẻ, đến nay, tại 4 xã thuần Chăm và các thôn xen ghép đều có trạm y tế xã và có đội ngũ y, bác sĩ; cơ sở vật chất được tăng cường; số lượng trí thức Chăm trong ngành y tế ngày càng tăng, với 130 người (trong đó có 01 tiến sĩ, 02 thạc sĩ và 9 chuyên khoa cấp I); chất lượng công tác được đảm bảo. Cách điều trị mang nặng hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần dần được loại bỏ, bà con đã dần tin tưởng vào tay nghề và y đức của đội ngũ cán bộ y tế Chăm tại địa phương.
Sau những năm đổi mới, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tầng lớp trí thức mới người Chăm nhanh chóng được hình thành và ngày càng phát huy tác dụng, tham gia hoạt động trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở (với 80 người), có người nắm giữ cương vị chủ chốt ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Với kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị, thông qua các hoạt động khoa học công nghệ, trí thức Chăm đã trở thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào Chăm một cách toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng và an ninh. Trong giai đoạn mới, trí thức Chăm ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong xã hội, họ vừa là nguồn lực của sự phát triển, vừa là thành phần trong khối liên minh công - nông - trí thức.
Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm xây dựng và đào tạo đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số nói chung và trí thức Chăm nói riêng, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để họ có ý thức trách nhiệm, hoạt động, cống hiến và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực nói trên, vẫn còn bộc lộ một số yếu kém như: Đội ngũ trí thức Chăm chiếm số lượng ít, phân bố ngành nghề chưa đều, phần lớn trí thức Chăm tập trung ở ngành giáo dục và y tế, chưa nhiều trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật; Công tác quy hoạch tạo nguồn trí thức Chăm chưa được chú ý, chủ yếu mới làm bước lựa chọn, xét duyệt, còn các bước theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh bổ sung chưa kịp thời; Một số trí thức Chăm chưa nêu cao ý thức trách nhiệm của mình vẫn còn mang tính tự ti, ỷ lại và dựa dẫm vào chủ trương, chính sách.
Trong thời gian tới, để nêu cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ trí thức Chăm trong việc đóng góp vào quá trình phát triển đất nước cần có sự phối hợp giữa các cấp cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, quan tâm đến một số vấn đề: Cụ thể hoá các chính sách đặc thù riêng đối với vùng đồng bào dân tộc Chăm để đầu tư xây dụng kết cấu cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới để làm chuyển biến về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc Chăm; Có chính sách khuyến khích giúp đỡ các em sau đại học, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ trí thức Chăm để làm cơ sở quy hoạch, tạo nguồn, bố trí và sử dụng trí thức; Vận dụng vai trò lực lượng cốt cán, các chức sắc tôn giáo và các vị nhân sĩ trí thức, đặc biệt là vị sư cả trong vùng đồng bào Chăm trong việc vận động hay giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Bên cạnh đó, bản thân đội ngũ trí thức cần chủ động tích cực xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ lao động đúng đắn, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; không ngừng rèn luyện tác phong đạo đức; thể hiện tinh thần luôn học hỏi, tìm tòi nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn. Tiếp tục nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức. Tránh tự ti, mặc cảm, bất chấp sự khó khăn gian khổ, tận tuy, tự tin phấn đấu hoàn thành trách nhiệm góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới của địa phương và đất nước./.
Minh Hiền