Hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng khó khăn

10:35 AM 25/09/2012 |   Lượt xem: 2408 |   In bài viết | 

Chương trình "Giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh hướng tới Mục tiêu thiên niên kỷ" do Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại, nhằm cung cấp kiến thức thiết yếu, cơ bản cho phụ nữ, cộng đồng, cũng như khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia tích cực trong công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ðồng thời, xây dựng mạng lưới dịch vụ y tế có khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu, đầy đủ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em với chi phí hợp lý và khoảng cách có thể tiếp cận được.

Thông qua chương trình, nhận thức, sự cam kết chính trị của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các tổ chức xã hội tại các địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt. Thông qua các cuộc hội thảo tổ chức tại các cấp, với sự tham gia của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, qua đó nhiều giải pháp đã được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân và giúp người dân thay đổi hành vi trong việc chăm sóc phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh tại cộng đồng, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai khá phong phú, từ các phương tiện thông tin đại chúng đến tờ rơi, tờ gấp, áp phích, tranh lật... Nội dung tuyên truyền tập trung vào một số lĩnh vực như: khám thai định kỳ, cách phòng tránh năm tai biến sản khoa; các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai; cách phát hiện và xử trí các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ sơ sinh...

Cải thiện dịch vụ chăm sóc sản khoa tại các tuyến, nhất là đối với các thôn, bản, xã, còn gặp nhiều khó khăn, được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Năm 2009, chương trình đã tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh cho 280 nhân viên y tế thôn, bản của các tỉnh. Với thời gian học ba tháng và được cấp 3.500 túi dụng cụ y tế, các nhân viên y tế thôn, bản đã phát huy được kiến thức đã học hỗ trợ được rất nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn. Do tỷ lệ sinh tại nhà thuộc 14 tỉnh còn cao, cho nên chương trình tuyển chọn những phụ nữ tại địa phương, tham gia các lớp đào tạo Cô đỡ, thời gian đào tạo là sáu tháng và hiện có hàng trăm cô đỡ đang hoạt động tại cộng đồng. Sau khi đào tạo, các cô đỡ có kiến thức về chăm sóc bà mẹ khi mang thai, thai nghén có nguy cơ cao, đỡ đẻ thường, chăm sóc trong và sau đẻ..., nhất là khi gặp các trường hợp phụ nữ đẻ tại nhà, đẻ rơi...

Ðáng chú ý, việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh, được chương trình tập trung triển khai. Ðến nay, chương trình đào tạo hơn 600 nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi tại các trạm y tế xã về một số lĩnh vực trong cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh; 225 bác sĩ, nữ hộ sinh tuyến huyện, tỉnh được tập huấn về cấp cứu sản khoa; 202 nhân viên y tế được đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh, chủ yếu theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Qua các lớp đào tạo này, các học viên tự tin hơn trong công việc, có kỹ năng thực hành để giải quyết các tình huống lâm sàng khó khăn về cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh, nhất là sơ sinh non tháng, nhẹ cân... Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, nhiều trang thiết bị y tế, dụng cụ giảng dạy, thực hành đã được trang bị cho các địa phương như: Máy thở người lớn, máy chiếu da vàng, máy mô-ni-tơ sản khoa, máy thở áp lực dương cho trẻ sơ sinh..., góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sản khoa, trẻ sơ sinh tại các tuyến.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Các hoạt động triển khai thường chậm so với kế hoạch đề ra. Công tác giám sát, hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào tháng cuối năm cho nên hiệu quả chưa cao. Tài liệu truyền thông, chủ yếu là sử dụng tiếng phổ thông, cho nên rất khó khăn đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người không biết chữ. Khắc phục những khó khăn nêu trên sẽ hiện thực hóa được mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại 14 tỉnh; được can thiệp từ 411 trong số 100 nghìn xuống còn 200 trong số 100 nghìn ca sinh sống đối với các tỉnh miền núi phía bắc và từ 178 trong số 100 nghìn xuống còn 100 trong số 100 nghìn ca sinh sống với các tỉnh khu vực Tây Nguyên mà mục tiêu ban đầu chương trình đề ra.

Theo Nhân dân