Dạy và học theo công nghệ mới ở vùng cao
10:33 AM 25/09/2012 | Lượt xem: 2939 In bài viết |Sau ba năm thực hiện phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", đổi mới dạy và học theo công nghệ mới Phương pháp dạy - học lấy trẻ em làm trung tâm (CCM), huyện vùng cao biên giới Bát Xát (Lào Cai) đã đạt kết quả bước đầu, tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở địa phương.
Sáng mùa thu, trời se lạnh, sương mù quấn ngang những đỉnh núi xanh thẫm mù xa, chúng tôi theo tỉnh lộ 156 vừa được mở rộng, trải nhựa phẳng, bám theo sông Hồng, chạy dọc theo biên giới Việt - Trung, đến Trường tiểu học thị trấn Bát Xát. Trường học được xây dựng khang trang, có sân chơi bê-tông rộng và cây xanh, ghế đá, với bốn nhà chòi và một nhà sinh hoạt văn nghệ cộng đồng được bố trí hợp lý, đẹp mắt ở ngay trong khuôn viên có tường rào hoa bao quanh. Ðây là một trong hai trường học của huyện vùng cao Bát Xát đang thực hiện mô hình "Trường học kiểu mới" (VNEN), dạy và học theo công nghệ CCM, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tạo niềm tin mới trong giáo viên, học sinh và cộng đồng xã hội.
Vừa hướng dẫn các em học sinh lớp 3B thực hành kỹ năng làm bánh, cắm hoa, trang trí nhà ở, cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Phương giới thiệu: Lớp có 29 học sinh, trong đó có một số em là người dân tộc Mông và Giáy. Từ năm học 2011- 2012, thực hiện dạy và học theo công nghệ mới, các em học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số thích nghi rất nhanh, tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng khá tốt, tiết học sinh động, cô và trò giao lưu tự tin, thoải mái hơn. Cô giáo Phan Thị Thanh Trà, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Giờ học không còn cách giảng truyền thống "cô giáo đọc, học sinh chép" như trước, thay vào đó là cách học hoàn toàn mới, theo phương châm "mỗi tiết học là một cuộc thi". Các em được ngồi theo nhóm, vị trí ngồi có thể thay đổi cho phù hợp với từng môn học. Công nghệ CCM lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người đưa ra tình huống và học sinh sẽ xử lý tình huống. Khi một tình huống đưa ra, các nhóm sẽ vận dụng vào thực tế để tìm ra câu trả lời đúng nhất, hay nhất và thiết thực với cuộc sống nhất. Cách dạy này đã thu hút sự chú ý học bài, khơi dậy tính sáng tạo của học sinh, được các em rất ưa thích, hiệu quả học tập thấy rõ. Một điểm mới nữa là, lớp học không còn bị bó buộc trong phòng học mà còn được tổ chức ở ngoài sân trường.
Lớp học được bố trí trong nhà chòi bây giờ không còn chỉ dành cho môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật, mà các tiết học Toán hoặc Tiếng Việt cũng được tổ chức ở đây. Một không gian thoáng mát dễ chịu, kết hợp với phong cảnh thiên nhiên đẹp, tạo cho các em có nhiều cảm hứng và tiết học đã thu được kết quả rất tốt. Từ hiệu quả của phương pháp dạy và học mới này, nhà trường đã tổ chức cho các thầy, cô giáo đăng ký chủ đề dạy trong năm. Ðến nay, 100% số giáo viên trong trường biết áp dụng phương pháp dạy theo công nghệ mới CCM; trong tuần, mỗi lớp đều đăng ký từ một đến hai tiết học ngoài trời như vậy.
Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Bát Xát Hoàng Trọng Phu cho biết: Năm học mới 2012 - 2013 này, huyện Bát Xát nhân rộng phương pháp dạy và học theo công nghệ CCM đến nhiều trường học khác ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, hướng mạnh đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Ưu điểm của phương pháp này là tạo cho học sinh khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, tạo hứng khởi trong học tập. Ngay trong dịp hè, hàng trăm giáo viên cấp tiểu học đã được tập huấn, bồi dưỡng công nghệ dạy học CCM; các trường học được củng cố cơ sở vật chất, bổ sung trang, thiết bị điện tử phục vụ dạy học, như máy tính, đèn chiếu,... Toàn huyện đã có 46 phòng học bộ môn và thiết bị thí nghiệm, hơn 20 phòng máy với gần 600 máy tính, bảo đảm phục vụ tốt cho việc dạy và học theo công nghệ mới.
Do đặc thù địa bàn miền núi, nhiều dân tộc thiểu số, hệ thống giáo dục mầm non còn yếu kém, nên phần lớn học sinh người dân tộc thiểu số vào lớp 1 còn hạn chế về tiếng phổ thông, gây khó khăn trong việc dạy và học ở bậc tiểu học. Ðể khắc phục, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Bát Xát chú trọng bồi dưỡng nâng cao khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số thông qua nhiều hình thức. Ðối với các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa như Ý Tý, Dền Thàng, Pa Cheo, Ngải Thầu..., thực hiện cơ chế hợp đồng nhân viên trợ giảng để dạy "song ngữ" Tiếng Việt và tiếng Mông. Ở những điểm trường này, nhân viên trợ giảng là người dân tộc địa phương, có khả năng truyền đạt tốt sẽ làm nhiệm vụ "phiên dịch", giảng giải nội dung tiết học bằng tiếng địa phương để học sinh dân tộc thiểu số hiểu và nắm được kiến thức. Ngoài ra, các trường đều bố trí tăng cường thời gian học Tiếng Việt vào buổi chiều mỗi ngày, dãn chương trình 35 tiết thành 50 tiết, tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số nâng cao khả năng sử dụng Tiếng Việt. Bên cạnh đó, Bát Xát thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh phong trào "Trường học tích cực, học sinh thân thiện", đưa vào chiều sâu, đi vào thực chất, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cả về kiến thức văn hóa, kỹ năng sống và đạo đức công dân. Một trong những biện pháp đó là tổ chức phát động thi đua, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo ký cam kết với Huyện ủy và UBND huyện, hiệu trưởng các trường ký cam kết với Phòng Giáo dục và Ðào tạo, giáo viên ký cam kết với hiệu trưởng nhà trường với các mục tiêu cụ thể trong năm học... Qua ba năm thực hiện, đã có 77 trường học xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh... đạt kết quả tốt, tạo chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương. Hơn 18 nghìn học sinh của 14 dân tộc anh em thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa ở vùng biên giới đầu nguồn sông Hồng đang tự tin bước vào năm học mới, phấn đấu đạt nhiều kết quả mới.
Theo Nhân Dân