Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai
03:27 AM 21/09/2012 | Lượt xem: 2538 In bài viết |Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ từ năm 2003-2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo; trong đó, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%.
Từ năm 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư với 495.017 vụ việc. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2%. Số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%. Các bộ, ngành địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, đạt 66,7%. Hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%; về giao đất, cho thuê đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Tình hình khiếu nại tố cáo đông người tăng dần theo hàng năm. Từ năm 2005 đến tháng 6/2009, cả nước xảy ra 3.829 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Năm 2010 có 3.214 đoàn, năm 2011 có 4.159 đoàn, tăng 29,4% so với năm 2010. Có những thời điểm tăng đột biến ở các tỉnh, thành phố lớn.
Qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng có sai chiếm 47,8%; có địa phương tỷ lệ này rất cao. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử. Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót.
Có nhiều nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo đất đai chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức; sự thiểu hiểu biết, thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.
Đánh giá việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai, Đoàn giám sát cho rằng, công tác này đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay tại địa phương, cơ sở.
Trong thời gian từ năm 2003-2011, các cấp, các ngành đã giải quyết được số lượng lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo; trong đó đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng lâu năm, xử lý kịp thời những điểm nóng phát sinh và những vụ việc khiếu nại đông người. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định, hành chính về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được chấn chỉnh và đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập như: thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính và Tòa án nhân dân chưa cụ thể. Trong một số trường hợp khiếu nại về đất đai, do pháp luật về đất đai quy định thẩm quyền giải quyết còn mâu thuẫn với Luật khiếu nại, tố cáo nên các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong giải quyết vụ việc. Cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm; sự phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ và thống nhất, có vụ còn có ý kiến khác nhau làm cho công dân tiếp tục khiếu nại kéo dài. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết, dẫn đến việc không được giải quyết dứt điểm...
Góp ý kiến vào báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, thực tế tình hình khiếu nại, tố cáo đất đai của công dân là loại khiếu nại, tố cáo nghiêm trọng, qua báo cáo càng thấy nghiêm trọng hơn, thể hiện qua việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tới 70%. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo chưa thống nhất. Rất nhiều lĩnh vực quản lý đất đai giao cho chính quyền địa phương, qua giám sát cho thấy địa phương ban hành hàng trăm, hàng nghìn văn bản hướng dẫn, trong khi đó tính thống nhất không có, thậm chí cùng một tỉnh, mỗi huyện hướng dẫn một khác. Ông Nguyễn Văn Hiện cho hay, việc giao cơ quan giải quyết cũng không thống nhất, có nơi giao cho thanh tra, có nơi giao cho bên tài nguyên môi trường trong khi theo quy định, trách nhiệm giải quyết thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, huyện. Bên cạnh đó, quy chế giám sát, kiểm tra rất lỏng lẻo, thực tế có địa phương không giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra, trong báo cáo giám sát, một số nguyên nhân khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được đề cập đến như: thay đổi chính sách nhà nước quá nhanh; giải quyết việc làm cho người lao động đền bù đất không được quan tâm thỏa đáng... Nếu chúng ta khảo sát sâu hơn nữa vào đời sống của nông dân sau khi bị thu hồi đất có thể sẽ đưa ra các chính sách đúng đắn hơn. Bên cạnh đó, vấn đề tuyên truyền pháp luật của nước ta còn hạn chế, đặc biệt là Luật đất đai, những kẻ xấu lợi dụng điều đó để kích động người dân./.
Theo ĐCSVN