Tăng cường điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên - môi trường biển
04:06 AM 25/06/2012 | Lượt xem: 3088 In bài viết |Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, nhấn mạnh tới ý nghĩa, vai trò của biển, kinh tế biển đối với quốc phòng, an ninh và xây dựng đất nước.
Kết quả bước đầu về điều tra tài nguyên biển
Sau 5 năm thực hiện Đề án tổng thể đã đem lại một số kết quả, hiệu quả bước đầu. Về chính sách quản lý tài nguyên - môi trường biển đã hệ thống hóa, rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực liên quan đến biển, đảo, xây dựng khung chính sách về tổ chức bộ máy, đào tạo, phát triển và sử dụng cán bộ điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn biển.
Đề án cũng thu được một số kết quả quan trọng có tính chất hệ thống về điều kiện tự nhiên và tài nguyên - môi trường biển như địa hình đáy biển, địa chất khoáng sản, địa động lực, địa chất môi trường, tai biến địa chất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên vị thế đất đai, tiềm năng nước ở một số vùng ven biển, hải đảo và cửa sông.
Về bảo vệ tài nguyên - môi trường biển, đã xây dựng các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu ở 3 miền, hoàn thiện về phương pháp luận, nghiên cứu, đánh giá về ô nhiễm tràn dầu trên biển, xác định các khu vực nhạy cảm và đề xuất phương pháp tính toán lượng giá tổn thất do ô nhiễm môi trường, xác định hệ thống các tiêu chí về đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển trên một số vùng biển trọng điểm.
Bên cạnh đó, Đề án đã tập trung vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác điều tra, quản lý tài nguyên - môi trường biển, khí tượng thủy văn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển.
Một số dự án tiêu biểu trong Đề án tổng thể được nỗ lực triển khai như: Chương trình tiềm năng khí hydrate ở vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, Dự án điều tra cơ bản một số hải đảo, cụm đảo lớn phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải, Dự án giám sát tài nguyên - môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám, Dự án điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy, hải sản vùng biển Việt Nam, Dự án đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, Dự án xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam
Ghi nhận những thành tựu, kết quả quan trọng của công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên - môi trường biển trong 5 năm qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả, chỉ ra những hạn chế và phân tích nguyên nhân, đưa ra định hướng triển khai giai đoạn 2012-2020 và các giải pháp thực hiện Đề án.
Trong đó, tập trung phân tích kỹ về những vấn đề liên quan đến tiến độ triển khai các dự án, khả năng giải ngân, tính hiệu quả ở một số dự án, khả năng phối hợp triển khai, thông tin, sử dụng thông tin giữa các cơ quan liên quan, các giải pháp thúc đẩy Đề án triển khai tốt hơn trong giai đoạn mới, hướng tới các dự án điều tra vùng biển xa bờ và đối tượng nghiên cứu mới.
Nâng cao giá trị thực tiễn kết quả điều tra
Hội nghị đã thảo luận các báo cáo chuyên đề về xây dựng, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia, các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên - môi trường các vùng biển Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chính sách về tổ chức, sử dụng cán bộ điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên - môi trường biển, khí tượng thủy văn biển, chương trình hợp tác quốc tế về điều tra, khảo sát tài nguyên - môi trường biển Đông với các nước.
Trong giai đoạn 2012-2020, Hội nghị đã tổng hợp đề xuất số lượng và danh mục dự án mở mới, tập trung vào nhóm vấn đề chính sách quản lý, điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, bảo vệ tài nguyên - môi trường biển, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật.
Các ý kiến nhất trí mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra cơ bản xác điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam, mà cụ thể là giá trị áp dụng vào thực tiễn, nhất là ở vùng biển nước sâu, xa bờ và các loại hình tài nguyên thiên nhiên mới, xác lập luận cứ khoa học, cơ sở vật chất và cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước thống nhất về biển và hải đảo, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển, thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững các vùng biển, ven biển và hải đảo, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia.
Nhấn mạnh yêu cầu chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, thiết bị cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cần tăng cường hơn nữa chủ trương xã hội hóa, tăng cường đào tạo, nguồn nhân lực phục vụ nâng cao chất lượng điều tra, quan trắc, dự báo về tài nguyên - môi trường biển.
Theo đó, các dự án mở mới trong giai đoạn tới cần được rà soát cụ thể, chặt chẽ, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án tổng thể để lựa chọn các dự án, bảo đảm không trùng lắp, chống chéo, chú trọng đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển xa bờ và các loại hình tài nguyên mới...
Ngày 1/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Sau 5 năm thực hiện, 18/20 dự án trong Đề án tổng thể đã được triển khai, mang lại hiệu quả nhất định trong mục tiêu đáp ứng trực tiếp các nhiệm vụ cấp bách và phát triển kinh tế biển, bảo đảm chủ quyền quốc gia, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội ở vùng biển ven bờ... |
Theo Chinhphu.vn