Dấu ấn một nhiệm kỳ và yêu cầu đổi mới công tác tổ chức, cán bộ trong thời gian tới
05:04 AM 27/04/2012 | Lượt xem: 2424 In bài viết |Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (03/05/1946 - 03/05/2012), Trang tin điện tử Ủy ban Dân tộc xin trân trọng giới thiệu bài viết: "Dấu ấn một nhiệm kỳ và yêu cầu đổi mới công tác tổ chức, cán bộ trong thời gian tới" của đồng chí Giàng Seo Phử, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Bước vào năm 2012, là năm thứ hai cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; cũng là năm toàn ngành công tác dân tộc triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ mới 2011-2016.
Nhìn lại nhiệm kỳ 2007-2011, ngành công tác dân tộc đã đạt được những kết quả có dấu ấn quan trọng. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình hình lạm phát, thiên tai và dịch bệnh nhưng Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là tập trung xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Nhờ có chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng sự đồng thuận và nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, ngành công tác dân tộc đã thực hiện có hiệu quả cao các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, làm cho bộ mặt dân tộc và miền núi có sự đổi thay đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực.
Những dấu ấn nổi bật đó là: Tham mưu giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) và Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về công tác dân tộc; tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc-văn bản có tính pháp lý cao nhất trong truyền thống 65 năm của ngành; tham mưu với Đảng, Nhà nước tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam ở 3 cấp (huyện, tỉnh và toàn quốc). Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, tháng 5/2010 là một mốc son trong đời sống chính trị, xã hội, văn hoá của đồng bào các dân tộc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 1971/CT-TTg về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước; tổng kết mô hình tổ chức cơ quan công tác dân tộc 65 năm và ban hành cuốn “Lịch sử Uỷ ban Dân tộc 1946-2011”. Đặc biệt, năm 2011, Uỷ ban Dân tộc đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và triển khai xây dựng 28 đề án của nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó có Đề án Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020, Đề án xin chủ trương thành lập Học viện Dân tộc; trình Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 giai đoạn III và nhiều đề án khác… Toàn ngành tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập cơ quan công tác dân tộc; Chương trình giao lưu văn hoá Việt Nam-Lào; Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất; Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ hai; tổ chức khởi công xây dựng trụ sở làm việc của Uỷ ban Dân tộc.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất năm 2010 |
Trong nhiệm kỳ qua, nhiều chủ trương, chính sách dân tộc đã được cụ thể hoá bằng các chương trình, dự án ưu tiên phát triển vùng dân tộc và miền núi. Uỷ ban Dân tộc đã bám sát chương trình công tác, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện và tổng kết các chính sách quan trọng. Điển hình là Chương trình 135 giai đoạn II, một chương trình hợp lòng dân, được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Để có được những thành quả đổi mới bộ mặt nông thôn vùng dân tộc, miền núi trong những năm qua là nhờ có sự đóng góp to lớn của Chương trình 135. Sau hơn 10 năm thực hiện (1999-2010), tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2,2 triệu hộ nghèo; đào tạo, tập huấn cho trên 460 nghìn cán bộ xã, thôn bản và người dân; hỗ trợ kinh phí cho gần 930.000 lượt học sinh con hộ dân tộc thiểu số nghèo. Cùng với Chương trình 135, nhiều chính sách khác cũng được thực hiện cho hiệu quả thiết thực, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách định canh định cự cho đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình trung tâm cụm xã; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vay vốn phát triển sản xuất….
Đến nay, đã có 96% xã có đường ô tô; 95% xã có điện, 100% xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học, nhà mẫu giáo và lớp bán trú dân nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ dân tộc cơ sở được củng cố. Tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn về số lượng và nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác dân tộc được tăng cường và đổi mới từng bước.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ những kết quả nổi bật đó là: Phải luôn tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, bám sát thực tiễn đời sống của đồng bào, tham mưu chính sách trúng và tổ chức thực hiện có hiệu quả, quan tâm công tác cán bộ, phát huy tốt trách nhiệm, năng lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ công tác dân tộc, đoàn kết vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống vùng dân tộc và miền núi.
Bước vào nhiệm kỳ 2011-2016, công tác dân tộc phải đối mặt với những thách thức mới: Vùng dân tộc, miền núi vẫn là địa bàn trọng yếu của đói nghèo và dễ bị tổn thương nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ lớn; kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng còn rất nhiều khó khăn; khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các vùng ngày càng cách xa; nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi chưa đáp ứng nhu cầu… Mặt khác, nhận thức về công tác dân tộc chưa ngang tầm, chưa đáp ứng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Trước những yêu cầu nhiệm vụ mới đang đặt ra, Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc xác định những nhiệm vụ trọng tâm toàn khoá là: Xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện; tổ chức xây dựng Đề án thành lập Học viên Dân tộc; xây dựng mới, rà soát bổ sung, sửa đổi 28 chương trình, chính sách cho vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2011-2016, định hướng đến 2020 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hệ thống cơ quan công tác dân tộc; xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc; xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam; bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở Uỷ ban Dân tộc.
Để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đó, trước những khó khăn đặc thù về đối tượng và địa bàn, đòi hỏi công tác tổ chức, cán bộ của ngành công tác dân tộc phải tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc chỉ rõ: “Xây dựng tiêu chuẩn công chức làm công tác dân tộc. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Tuyển chọn, tăng cường cán bộ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt về cơ quan làm công tác dân tộc ở các cấp”. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ trong toàn ngành phải rất nỗ lực, cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, thực sự tâm huyết, gắn bó với nghề.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, từ những bài học về công tác cán bộ và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc chú trọng đổi mới công tác tổ chức, cán bộ và chọn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công tác dân tộc làm khâu đột phá, là “mắt xích” quan trọng. Thực hiện Nghị định mới (nhiệm kỳ 2011-2016) của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc sẽ đặt ra yêu cầu bổ sung, sắp xếp cán bộ và tổ chức bộ máy; hơn nữa, trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi thì chắc chắn không thể tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở trong cán bộ, công chức. Vì vậy, đổi mới công tác tổ chức cán bộ được Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012, là đòi hỏi tất yếu khách quan nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Nhiệm vụ này càng quan trọng hơn khi gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được Uỷ ban Dân tộc nghiêm túc triển khai. Nghị quyết đã nhấn mạnh 3 nội dung cơ bản: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Ba vấn đề trên rất quan trọng và liên quan mật thiết với nhau, trong đó vấn đề (1) là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Những việc cần làm ngay là: Cán bộ, đảng viên trong toàn ngành gương mẫu tự kiểm điểm và điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự sửa mình; cảnh giác với cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 gắn với thực hiện 19 điều đảng viên không được làm và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở mỗi đơn vị. Yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thất, đánh giá khách quan, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm để từ đó từng chi bộ, đơn vị và cán bộ, đảng viên đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục, sửa chữa. Qua đó hiểu rõ cán bộ và có căn cứ đánh giá, sàng lọc và quy hoạch, bố trí cán bộ.
Để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, toàn ngành công tác dân tộc cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức toàn ngành công tác dân tộc, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, các vụ, đơn vị về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tổ chức cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số; về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Gắn đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đảng viên với việc thực hiện kiểm điểm, phê bình và tự phê bình trong từng cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI); nâng cao tính tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, tinh thần đoàn kết, phát huy năng lực, trình độ cán bộ, đảm bảo tham mưu và thực hiện chính sách dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, đổi mới phương pháp tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự, cấp uỷ đảng đối với công tác cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể. Chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch và bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác đi liền với việc sử dụng cán bộ công tác dân tộc. Cụ thể là:
- Quy trình đánh giá cán bộ trong ngành công tác dân tộc, bảo đảm công khai, minh bạch, trung thực, dân chủ, khách quan, toàn diện; lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo; chống các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá cán bộ. Thực tế cho thấy, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định; đây là việc làm khó, rất nhạy cảm vì có ảnh hưởng đến tất cả các khâu của công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ đúng sẽ giúp họ nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực, sở trường trong công việc. Nếu đánh giá cán bộ sai thì không những bố trí, sử dụng không đúng mà quan trọng hơn còn làm mai một dần động lực phát triển, thui chột tài năng, chân lý bị lu mờ “vàng thau lẫn lộn”, giảm sút niềm tin và ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
- Nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ. Xem xét, lựa chọn đưa vào quy hoạch cán bộ tốt, có triển vọng phát triển về năng lực lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện.
- Chú trọng chất lượng tuyển dụng cán bộ, công chức vào cơ quan công tác dân tộc; phấn đấu từng bước đảm bảo tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số, tiến tới cơ cấu cán bộ toàn ngành có đủ đại diện người các dân tộc thiểu số.
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công tác dân tộc; chú trọng nâng cao trình độ, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ công tác dân tộc trong sạch, đủ mạnh, thích ứng yêu cầu thực tiễn đang diễn ra ở vùng dân tộc và miền núi. Yêu cầu bắt buộc để chính sách dân tộc đi vào cuộc sống là phải xuất phát từ thực tiễn ở cơ sở. Muốn vậy, cán bộ ngành công tác dân tộc không thể ngồi nhà mà “vẽ” ra chính sách; phải lăn lộn, gắn bó và trưởng thành từ thực tiễn, nắm bắt và tổng kết đòi hòi từ cuộc sống đồng bào vùng dân tộc và miền núi thành ý tưởng chính sách đề xuất với cấp có thẩm quyền. Tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ trong xây dựng và thực hiện chính sách. Nhiệm kỳ này, Uỷ ban Dân tộc sẽ tập trung làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại; công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; công tác luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết với công tác dân tộc vào các vị trí lãnh đạo của các vụ, đơn vị theo nguyên tắc giao đúng người, đúng việc, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ có năng lực, trong quy hoạch tham gia công tác lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, quan tâm thực hiện chính sách cán bộ, đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để cán bộ, công chức an tâm công tác, tận tâm với công việc. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển; đồng thời mỗi cán bộ trẻ, cán bộ nữ phải tự giác phấn đấu, khẳng định năng lực và uy tín của mình. Khen thưởng, động viên kịp thời và có biện pháp xử phạt nghiêm minh. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn và đặt niềm tin vào cán bộ, công chức để họ cống hiến hết mình cho công tác dân tộc.
Năm là, tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến cả trong tư duy và nội dung, hình thức tiến hành công tác cán bộ. Kiện toàn cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ vừa có tâm, vừa đủ tầm. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ đảng và đảng viên; xử lý nghiêm các vi phạm về nguyên tắc, quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Cùng với giải pháp đổi mới công tác tổ chức cán bộ, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm toàn khoá, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Uỷ ban sẽ đề cao phân cấp, tăng cường đoàn kết và tạo điều kiện để mỗi tập thể, cá nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, cùng góp sức vào việc thực hiện thắng lợi công tác dân tộc trong nhiệm kỳ mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, cổ vũ và phát huy tình đoàn kết giữa các dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng dân tộc và miền núi nước ta ngày càng đổi mới, phát triển.
Giàng Seo Phử
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí
thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc