“Chìa khóa” đuổi nghèo ở Tân Đông

10:16 AM 29/11/2011 |   Lượt xem: 2056 |   In bài viết | 
Xã Tân Đông có 3.100, hộ, trong đó 700 hộ là đồng bào Khmer, sống tập trung tại 3 ấp sát đường biên dài 14km. Mặc dù xã có 8.454ha đất canh tác nhưng độc canh lúa nước nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là 3 ấp đồng bào Khmer.

Hội ND làm “chủ xị”

“Chúng tôi đã tìm được chìa khóa mở cánh cửa xóa nghèo bằng việc vận động, hướng dẫn ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Đảng ủy xã chỉ đạo Hội ND làm “chủ xị” vận động ND thực hiện chuyển đổi từ lúa nước sang mía, mì (sắn), cao su” - ông Dương Minh Trung - Chủ tịch UBND xã Tân Đông nói.

Ấp Tầm - Pô có 173 hộ đều là đồng bào Khmer. Trưởng ấp Chum Chon Ran phấn khởi: “Ấp có 300ha đất nông nghiệp trước chỉ trồng lúa, nay bà con đã chuyển 200ha sang trồng mì, mía, cao su. Nhờ đó, ấp chỉ còn 6% hộ nghèo”.

Nhà trưởng ấp Chum Chon Ran có 10ha, nay trồng 6ha mía, 2ha cao su và chỉ giữ 2ha trồng 2 vụ lúa, thu 20 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, năm 2011 vợ chồng Chum Chon Ran thu 300 triệu đồng. Ông đã mua máy gặt xếp dãy, máy phóng lúa, máy bơm nước…

Không chỉ có Trưởng ấp Chum Chon Ran, hộ Dan Vut, Sup Pon… từ khi chuyển sang trồng mì, mía, cao su doanh cũng thu hàng trăm triệu đồng/năm. Hộ ông Sầm Bách Phia được coi là tấm gương vượt nghèo giỏi. Với 1ha đất lúa thu chưa nổi 20 triệu đồng/năm trong khi nuôi 6 nhân khẩu trong gia đình nên rất khó xóa nghèo.

Được Hội ND hướng dẫn, ông Phia chuyển 0,5ha sang trồng mì, thu 20 triệu đồng/năm, chưa kể nguồn thu từ 0,5ha trồng lúa. Năm 2009 được Hội bảo lãnh, ông vay Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng mua một con trâu 4,5 triệu đồng, còn lại đầu tư mì, lúa. Sau khi trả xong nợ, Ngân hàng cho ông vay tiếp 30 triệu đồng để ông mướn 2ha đất trồng mì.

Vụ mì năm 2011, gia đình ông thu 50 tấn bán được 10 triệu đồng, riêng con trâu từ ngày mua đã đẻ 2 con, ông bán được 14 triệu đồng. Năm 2010 vợ chồng ông tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã, đồng thời cũng là năm ông cất được căn nhà khang trang. Hỏi có muốn vay tiền nữa không, vợ Phia thật thà: “Đủ vốn mần ăn rồi, không vay nữa”.

Ai cũng muốn vào Hội

Chi hội trưởng Dan Vut tâm sự: “Chúng tôi vô Hội xem ra khó, nhưng khó mà dễ”. Dan Vut giải thích, nói khó bởi thấy Hội không giúp cách sản xuất và cách tổ chức cuộc sống hay hơn thì không ai muốn vô Hội làm gì. Khi nào Hội làm được hai việc này, cô bác tin, cùng nhau vô Hội, “đuổi cũng không ra”.

Nhiều năm liền chi hội Tầm-Pô đạt danh hiệu vững mạnh toàn diện. Năm 2010-2011, chi hội có 3 cán bộ, hội viên ưu tú được bồi dưỡng kết nạp Đảng, trong đó có Chi hội trưởng Dan Vut.


Ông Ngô Khắc Lợi - Chủ tịch Hội ND xã Tân ĐôngThực tế ở Tầm – Pô minh chứng giải thích của Dan Vut hoàn toàn có lý. Ấp Tầm- Pô có 173 hộ, đến cuối tháng 11. 2011, 136 hộ có hội viên ND sinh hoạt tại 6 tổ hội, các tổ sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Ngày sinh hoạt ít nhất có mặt 70% số hội viên, 100% hội viên đóng hội phí. Ngoài thi đua sản xuất giỏi, tương trợ nhau xóa nghèo, xây dựng đời sống mới, các tổ hội còn phối hợp với đồn biên phòng vận động hội viên ND giữ gìn an ninh biên giới.

Cùng với vận động hội viên, ND phát triển sản xuất, chi hội Tầm-Pô còn vận động bà con bỏ thói quen phóng uế trên đồng, học cách nuôi nhốt gia súc, gia cầm xa nơi ở, học nhau cách xây nhà tắm, làm hệ thống nước máy từ nhà máy nước xây dựng trên địa bàn ấp của nguồn vốn Chương trình 135.

Khuynh Diệp (Nguồn: Dân việt)