Nghi Lễ cúng bến nước của người ÊĐê ở Phú Yên.

09:11 AM 16/09/2011 |   Lượt xem: 2140 |   In bài viết | 

Mỗi khi muốn di chuyển làng về một nơi ở mới, ngoài việc đi tìm nguồn đất đai màu mỡ có thể sản xuất được thì điều kiện trước tiên là phải có nguồn nước mạch dồi dào quanh năm, có thể xây dựng bến nước cho buôn làng. Đối với đồng bào dân tộc, bến nước phải là nơi có nguồn nước sạch nhất, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt. Nguồn nước này được người dân rất coi trọng và thiêng liêng, và thường phạt rất nặng đối với ai làm ô nhiễm nguồn nước.

Cúng bến nước (Tuh-pin-ea) là một trong những lễ cúng quan trọng trong buôn làng người Êđê ở Phú Yên. Do vậy sau vụ mùa, tại nhà chủ buôn sẽ diến ra cuộc họp với sự tham dự của các già làng có uy tín để bàn vịêc cúng bến nước. Lễ cúng bến nước của người Êđê ở Phú Yên được tổ chức hằng năm, khi nắng hạn, bến nước cạn, khi đường đến bến nước hư hỏng nhiều thì người Ê đê làm lễ cúng bến nước. Nghi lễ được tổ chức ngay tại bến nước nhằm cầu xin thần nước mang lại nguồn nước trong lành, không gây dịch bệnh cho người dân trong buôn làng.

Lễ cúng bến nước kéo dài trong suốt 3 ngày. Ngày thứ nhất: Thanh niên trai tráng trong làng đi kiểm tra và tu sửa đường vào bến nước để đi lại thuận lợi. Sau đó, các thầy cúng mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình, chít khăn đỏ, tay cầm rượu pha huyết heo; già làng đi sau nắm khiên, đao cùng tất cả người dân trong làng đi theo sau ra bến nước làm lễ cúng. Ngày thứ hai: Thầy cúng sẽ đi đến từng nhà để cùng họ làm lễ cúng. Lễ vật của mỗi gia đình là một chén rượu, thịt gà hoặc thịt heo. Ngày thứ ba: Cúng cả buôn. Lễ vật cũng chỉ một chén rượu và một con gà hoặc heo. Cúng xong mọi người sẽ mở rào, phá bỏ các chỗ chắn đường.

Vào 3 ngày này, dân trong làng không cho người lạ vào buôn; họ dùng dấu cấm đi lại bằng cây chắn ngang đường, sơi dây treo, sợi chỉ hoặc lông  gà. Cũng trong 3 ngày này, trong làng luôn rộn ràng tiếng chiêng trống để gọi thần linh trở về, thể hiện sự thành tâm, cả làng không đi rẫy, không bắt cá, không đuổi chim, đuổi nai,…

Hiện nay, người Êđê ở Phú Yên đã hòa nhập với cuộc sống văn minh, các buôn làng đều có hệ thống nước sạch hoặc giếng nước, nhưng một bộ phận người dân vẫn không bỏ được tập quán đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước. Đây vẫn còn là một bản sắc dân tộc đặc sắc được gìn giữ với hình ảnh đẹp của những cô sơn nữ thong thả hứng nước bằng các quả bầu khô, gùi dùng để chứa nước hay cảnh nhộn nhịp tắm giặt, lấy nước của già trẻ, gái trai trong buôn mỗi buổi chiều, sau một ngày lao động vất vả.

Để lưu giữ nét nét văn hoá truyền thống tốt đẹp, đi sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Êđê, hằng năm Lễ cúng bến nước vẫn được duy trì đều đặn, đúng nghi thức và rất trang trọng./.

Việt Vũ