Tâm sự của nghệ nhân đàn, hát dân ca người dân tộc thiểu số 

10:56 AM 10/09/2011 |   Lượt xem: 2693 |   In bài viết | 

Già làng Oi Thứ, dân tộc Chăm H'oi ở buôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân là người góp phần tích cực trong việc gìn giữ những nét văn hoá truyền thống quý báu đó. Trong các lễ hội truyền thống của đồng bào ở buôn làng không thể thiếu được hình ảnh Oi Thứ, một vị già làng bao giờ cũng được dân làng tôn trọng ở vị trí trang trọng nhất của buổi lễ để kính báo với thần linh về việc làm của làng.  Những năm qua Oi Thứ đã nỗ lực dạy lại cho những nghệ nhân trẻ tuổi những nhạc cụ truyền thống như Cồng 3, Chinh 5; trống đôi. Lớp trẻ  mới chỉ học được vài cái thôi, có cái vẫn chưa biết, nhưng đáng mừng là có nhiều thanh niên đam mê theo ông học tập và từng bước thành thạo một số nhạc cụ của dân tộc mình. Oi Thứ tự hào nói:“Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân tộc gắn bó với cái nương, cái rẫy nên văn hoá của người Chăm cũng gắn với cuộc sống của ông như máu thịt vậy. Tôi cố găng làm mọi cách để giữ lại những nhạc cụ truyền thống, từ cách làm đến cách thể hiện như giữ lấy cái hồn của dân tộc nhất là dạy lại cho lũ trẻ. Rất mừng là tôi đã đào tạo được một đội Cồng chiêng và trống đôi cùng một số nhạc cụ dân tộc khác, được tỉnh huyện cử đi biểu diễn nhiều nơi..”

Nghệ nhân Mí Lang, dân tộc Ê Đê, 70 tuổi, ở buôn Lé A, Oi Then 72, tuổi ở buôn Thu, xã Krông Pa là diễn viên Đoàn văn công tỉnh Phú Yên thời kháng chiến, Mí Lang, Oi Then đã đem tiếng đàn, giọng hát của mình phục vụ đồng chí, đồng đội nơi chiến trường. Và giờ đây về lại quê nhà các Oi, các Mí vẫn luôn ca hát giúp vui cho dân làng trong các dịp lễ hội, dịp tết của dân tộc. Chính họ là ngững người góp phần lưu giữ nét văn hoá của dân tộc mình cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.  Oi Then cho biết: “ Tôi biết nhiều loại đàn và phục vụ bà con trong các dịp lễ hội. Tôi học được các loaị đàn này từ lúc nhỏ và bây giờ đã già rồi nhưng thấy con cháu ít người biết đàn hát già thấy không vui đâu.”

Nghệ nhân Ma Cốt, 65 tuổi ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, từ lúc nhỏ ông đã đi theo cha anh làm cách mạng. Trong rừng ông là người làm cho mọi người vui, lạc quan hơn trong cuộc sống và chiến đấu chống quân thù bằng lời ca tiếng hát, bằng những sử thi mà hằng đêm Ma Cốt hát cho đồng đội nghe để quên đi những nhọc nhằn. Ông thuộc lớp người rất giỏi  hát sử thi và đối đáp về tình yêu đôi lứa trong vùng đồng bào dân tộc Ê Đê ở huyện miền núi Sơn Hòa. Ma Cót tâm sự: “Trong các lễ hội của dân làng mình phải hát mới vui, mới thu hút người tham gia lẽ hội, tôi thấy lớp trẻ sau này chỉ thích hát những bài hát mới, chứ it muốn hát dân ca, hát khan như chúng tôi. Cho nên tôi cố hát thật nhiều trong gia đình, làng xóm và thường xuyên giảng dạy cho thanh niên biết quý trọng và gìn giữ những làn điệu dân ca của đồng bào Ê Đê mình. Đó là điều tôi vui nhất đấy”

Nghệ nhân Ma Hri ở buôn Độc Lập A, Y Thanh buôn Lé B còn trẻ, tuổi đời các anh khoảng chừng 40 đến 42 tuổi, nhưng lại là những người hát rất hay, đàn rất giỏi. Và đáng trân trọng hơn là bằng khả năng của mình các anh đã sáng tác nhiều bài hát dân ca mới mang đậm nét truyền thống. Tiếng hát hòa cùng tiếng đàn ghita sôi nổi, hào hùng của Ma Hri như thôi thúc bao chàng trai, cô gái Ê Đê tìm đến với nhau trong những ngày tết, lễ hội. Tiếng đàn, tiếng kèn lá của Y Thanh hết sức ngọt ngào và đem đến cho người nghe những âm thanh của các loài vật xung quanh chúng ta. Y Thanh là nghệ nhân được Sở Văn Hóa, thể thao và Du lich chọn đi tham dự các Liên hoan văn hóa các dân tộc trong nước. Hiện nay các anh là những người mong muốn được truyền lại những gì mình biết cho lớp trẻ trong làng. Y Thanh tâm sự“ Từ lúc còn rất nhỏ nghe bà con hát,  tôi đã yêu những bài hát dân ca của dân tộc tôi. Nên trong lúc vui của dân làng tôi tự sáng tác những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, làm cho mọi người yêu nhau hơn, sống có trách nhiệm với bản làng dân tộc mình hơn.”

Ma Hri bằng tiếng đàn ghitar và giọng hát ngọt ngào, anh đã cuốn hút được nhiều cô gái, chàng trai đến với các lễ hội của buôn làng. Anh nói“ Tôi biết nhiều loại đàn là nhờ ông tôi dạy cho đấy. Trong lúc đàn cho anh em bạn bè nghe, tôi thường sáng tạo thêm để cho tiếng đàn của dân tộc mình thêm phong phú. Tôi sẽ giúp cho các em nhỏ sau này biết đàn và hát dân ca của dân tộc mình để lưu giữ cái đẹp, cái hay của dân tộc mình”

Cũng giống như các làn điệu dân ca của các dân tộc khác, dân ca của người Ê Đê, Ba Na, Chăm H'roi ở Phú Yên cũng chỉ còn được nghe, được thưởng thức từ những người lớn tuổi trong các lễ hội, ngày Tết của dân làng. Trong khi đó, các chương trình văn nghệ của xã, thôn lớp thanh niên chỉ hát những bài hát mới, những bài hát tình yêu bằng những làn điệu mới chứ không tổ chức chương trình hát dân ca. Hầu hết các nghệ nhân đều rất lo lắng khi các thế hệ cha anh không còn nữa thì những làn điệu dân ca của dân tộc mình cũng sẽ bị lãng  quên theo thời gian mà thôi. Oi Thứ bôc bạch nói :"Hiện nay những bài hát dân ca của đồng bào DTTS đã bị mai một rất nhiều, bọn trẻ không thích hát dân ca như người lớn đâu. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp cho con cháu hiểu giá trị và cái hay của các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Tôi sẽ cố gắng dạy cho lớp trẻ biết đàn, hát nhiều bài hát dân ca của dân tộc mình. Tôi đề nghị Nhà nước tạo mọi điều kiện giúp cho đồng bào DTTS chúng tôi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mà trước mắt là những làn điệu dân ca của người dân tộc thiểu số chúng tôi, đó là truyền thống tốt đẹp cần được giữ gìn, được như vây là dân làng vui lắm đấy.”

Việt Vũ