Miền núi Phú Yên tưng bừng trước ngày bầu cử

11:48 AM 17/05/2011 |   Lượt xem: 2934 |   In bài viết | 

Xã An Lĩnh, huyện Tuy An có sáu thôn nhưng có đến tám vùng, nằm rải rác trên địa hình đồi núi, việc đi lại khó khăn. Nhiều điểm dân cư xa trung tâm xã đến hàng chục cây số. Hội đồng bầu cử xã đã đề nghị thành lập chín tổ bầu cử tại chín điểm dân cư, để cử tri thuận tiện đi bỏ phiếu.

Bí thư Ðảng ủy xã, Chủ tịch Hội đồng bầu cử xã An Lĩnh Tăng Văn Tình cho biết, hiện đang là mùa thu hoạch sắn, mía, ban ngày bà con ít khi ở nhà, nên nhiều tổ công tác  tuyên  truyền  cả  ban  đêm, vừa họp dân, vừa cử cán bộ đến nhà để vận động. Ðài truyền thanh  xã liên tục phát thanh các nội dung công tác bầu cử theo hướng dẫn. Tại các điểm bầu cử đã trang trí cờ Tổ quốc, băng-rôn khẩu hiệu và niêm yết tiểu sử những người ứng cử, danh sách cử tri tại nơi trang trọng nhất. Trên đường đi làm đồng về, trời đã quá trưa nhưng bà con vẫn ghé đến những điểm bầu cử để xem tiểu sử những người ứng cử. Anh Ðào Văn Thủy, ở thôn Phong Thái cho biết: Tuy đang bận ngày mùa, nhưng bà con chúng tôi sẽ vận động nhau đi bỏ phiếu sớm với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trao đổi ý kiến với Chủ tịch UBND xã An Lĩnh Nguyễn Quốc  Dũng, được biết, toàn xã có 3.003 cử tri. Ðể phục vụ  cho công tác bầu cử, ngoài cán bộ trong hệ thống chính trị đang có, xã đã huy động toàn bộ giáo viên trong xã để tham gia vào các tổ bầu cử. Qua các hội nghị vận động tranh cử, các cử tri mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đến đời sống người dân vùng sâu, vùng xa. Cụ thể như xã An Lĩnh, là vùng đất đang chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là tình trạng sụt lở đất liên tục diễn ra. Mùa mưa năm 2010 đã có 15 ngôi nhà bị sụt đất, đổ sập gây thiệt hại từ 70% đến 100%; 31 nhà khác bị ảnh hưởng 50%; dưới 50% có 85 nhà bị ảnh hưởng. Những hộ có nhà bị sập nay đã được cấp đất tái định cư, xây dựng nhà ở ổn định. Nhưng vẫn còn một số ngôi nhà ở bốn thôn Phong Thái, Phong Lãnh, Quang Thuận, Thái Long đang trong vùng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sụt lở đất. Cử tri đề nghị các cấp, các ngành, các nhà khoa học quan tâm có biện pháp khảo sát, nghiên cứu địa hình, địa chất để có biện pháp lâu dài ổn định đời sống cho nhân dân.

Chúng tôi về huyện Sơn Hòa trong những ngày đầu tháng 5, trời nắng như đổ lửa. Trên các cánh đồng, bà con nông dân đang hối hả thu hoạch mía, sắn. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở nông sản về nhà máy. Hai bên đường, cờ Tổ quốc phấp phới bay, nhiều băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cho ngày bầu cử được bố trí tại các trung tâm. Xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa có 3.742 cử tri, trong đó có hơn 2.000 cử tri nữ; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36%, chủ yếu là ở thôn Suối Bạc và Tân Lập. Toàn xã có bảy đơn vị bầu cử, xã thành lập bảy tổ bầu cử với 117 thành viên.

Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, Phan Thế Lựu cho biết, đến thời điểm này ở xã không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ðịa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bầu cử, giới thiệu tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên trên Ðài truyền thanh xã. Ðối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự hỗ trợ của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Xã chỉ đạo các thôn, buôn, vận động bà con gấp rút thu hoạch nông sản và kết thúc gieo trồng, dành thời gian tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên, Luật Bầu cử và đi bầu đúng thời gian, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Xã đã phân công từng thành viên Ban bầu cử thường xuyên kiểm tra địa bàn phụ trách, để có kế hoạch, phương pháp vận động, tuyên truyền có hiệu quả, không để tình trạng đến ngày bầu cử, bà con còn ở nương rẫy xa khu dân cư, hay vắng mặt.

Với vai trò già làng, ông Ma Sung ở thôn Suối Bạc, là một trong những thành viên tích cực tham gia tuyên truyền vận động công tác bầu cử. Già làng Ma Sung nói: 'Càng gần đến ngày bầu cử, bà con càng phấn khởi hăng hái thu hoạch mía, sắn để không còn vướng bận công việc khi đi bỏ phiếu. Tôi nói với bà con, thời gian này không nên ở trên cái nương, cái rẫy dài ngày, hay đi làm ăn xa mà làm ảnh hưởng đến bầu cử. Nhắc nhở con cháu nêu cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng để gây mất đoàn kết, ảnh hưởng an ninh trật tự trong ngày hội lớn của đất nước'.

Tại các xã đặc biệt khó khăn như Krông Pa, Suối Trai, Ea Chà Rang của huyện Sơn Hòa hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Không khí chuẩn bị bầu cử cũng được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương.  Theo Phó chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang Thái Hồng Tân, ý thức, trách nhiệm của bà con đã được nâng lên rất nhiều so trước đây, nên công tác tuyên truyền, vận động bầu cử gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, địa phương đang tích cực phân công từng thành viên về các thôn, buôn, tổ bầu cử, vận động bà con làm vệ sinh, tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm niêm yết danh sách, đồng thời nghiên cứu kỹ tiểu sử, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức các ứng cử viên để sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, tài vào các vị trí xứng đáng.  

Tại các huyện Sông Hinh, Ðồng Xuân, một số xã miền núi phía tây thuộc các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, thị xã Sông Cầu công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử cũng được triển khai theo đúng kế hoạch, bảo đảm các bước theo đúng quy định của luật.

Theo Trình Kế(Báo Nhân dân điện tử)