Xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

09:47 AM 13/04/2011 |   Lượt xem: 2732 |   In bài viết | 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với thế giới và trở thành vấn đề sống còn của Việt Nam trong thế kỷ 21. Theo kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất cho Việt Nam, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng khoảng 2-3 độ C, mực nước biển trung bình có thể dâng trên 1m. Các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ, hạn hán, nắng nóng, rét đậm,… sẽ diễn biến ngày càng khắc nghiệt và phức tạp hơn. Các đồng bằng châu thổ và vùng ven biển có thể bị ngập phần lớn diện tích.

Trước tình hình này, Chính phủ xác định thích nghi, ứng phó tích cực với BĐKH là vấn đề bảo vệ an ninh và phát triển đất nước, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, mọi người dân và cần được tiến hành với quyết tâm cao, từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.

Sau việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia, hàng loạt kế hoạch, dự án và tham gia tích cực với các Công ước, hành động quốc tế, Chính phủ chủ trương xây dựng Chiến lược quốc gia làm cơ sở, định hướng và khâu nối đồng bộ các hoạt động ứng phó tích cực và thích nghi với BĐKH.

Tại cuộc họp sáng 8/4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo một số ý kiến định hướng trong xây dựng bản Chiến lược đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành hữu quan.

Theo đó, Chiến lược cần có sự nghiên cứu, tham khảo kỹ các chiến lược về BĐKH của các nước có hoàn cảnh tương tự cũng như các nước phát triển trong khu vực, trên thế giới.

Chiến lược cũng cần phù hợp với chính sách hợp tác dài hạn về BĐKH theo các công ước, thỏa thuận quốc tế mới đây và đồng bộ hóa với các chiến lược, quy hoạch liên quan đã được Chính phủ ban hành.

Chiến lược cần làm rõ quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo và các mục tiêu tổng quát trong giải quyết các mối đe dọa hiện hữu của BĐKH đối với các khu vực xung yếu, nhạy cảm.

Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế hài hòa với chính sách và thể chế toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, phát triển theo hướng carbon thấp và tăng trưởng xanh.

Chiến lược cũng cần trình bày đầy đủ các nghiên cứu về hiện trạng khí hậu, dự báo xu thế biến đổi trong các giai đoạn, các thách thức đối với Việt Nam. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong từng giai đoạn, cấp bách cũng như lâu dài.

Theo dự kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan chủ trì xây dựng và hoàn thiện để có thể sớm hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới./.

Theo Chinhphu.vn