Thành tựu xoá đói giảm nghèo ở Nam Đông, Thừa Thiên - Huế

09:16 AM 13/04/2011 |   Lượt xem: 2538 |   In bài viết | 

Những năm qua, diện mạo sản xuất, kinh tế và đời sống nhân dân ở Nam Đông nhanh chóng đổi thay. Từ sự đầu tư của nhà nước và một phần huy động sức dân, từ năm 2000 đến nay, huyện Nam Đông đã nhựa hoá và bê tông hoá thêm 79 km đường giao thông nông thôn, đạt hơn 80%; xây dựng 8 cầu kiên cố, hệ thống giao thông vì thế đã thông suốt về tận thôn, bản, cụm dân cư, không bị ách tắc trong mùa mưa lũ.

Hệ thống thuỷ lợi của huyện được đầu tư xây dựng thêm 13 hồ đập kiên cố, kiên cố hoá 24 km kênh mương, đảm bảo tưới cho hơn 90% diện tích lúa nước. Huyện xây dựng mới 16,3 km đường dây trung thế, 32,9 km đường dây hạ thế, 17 trạm biến áp, kéo điện từ lưới điện quốc gia về cho 100% số xã, với hơn 95% số hộ sử dụng điện. Nguồn vốn định canh, định cư trong giai đoạn này cũng tập trung 19,7 tỉ đồng đầu tư giao thông, giếng nước, các công trình phúc lợi, hỗ trợ khai hoang ruộng nước, giúp tách hộ, lập vườn cho 276 hộ ở nghèo ổn định nơi ăn chốn ở. Nam Đông tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng, cao su, trồng cau và cây có múi.

Đến nay, tổng diện tích cao su toàn huyện đạt 3.538 ha, trong đó khoảng 900 ha đã cho khai thác mủ, bình quân mỗi ha thu nhập 35 triệu đồng. Kinh tế vườn với tổng diện tích 584 ha, thu nhập bình quân mỗi ha 23,5 triệu đồng. Ngành nông nghiệp huyện chú trọng đưa các loại rau, quả như bí đao, mướp đắng, ớt vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế trên 50 triệu đồng/ha. Các địa phương tổ chức vận động nhân dân chuyển hẳn phương thức canh tác phát, cốt, đốt, trỉa sang thâm canh lúa nước và hoa màu.

Diện tích lúa nước đến nay gần 390 ha, năng suất bình quân hằng năm trên 50 tạ/ha. Sản lượng lương thực đạt 3.850 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 170 kg; giá trị thu nhập 1 ha đất canh tác đã đạt 18 triệu đồng, gấp đôi so với những năm 2000 trở về trước. Diện tích rừng trồng kinh tế đến nay khoảng 4.300 ha, bình quân mỗi ha cho thu nhập 35 triệu đồng đã thật sự góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện. Tổng đàn bò toàn huyện hiện nay có khoảng 3.200 con, phần lớn là bò lai sin; đàn lợn gần 10.000 con, trong đó lợn nạc chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Người dân từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia trại và trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được huyện xác định là ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện có nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, phát huy tiềm năng trên địa bàn như tre lồ ô, đá ốp lát, chế biến mủ cao su, cau khô xuất khẩu. Các ngành nghề cơ khí, may mặc, sửa chữa xe máy, điện tử, dịch vụ kinh doanh tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động phi nông nghiệp. Nhà máy xi măng Nam Đông với công suất 1,8 triệu tấn/năm đã được khởi công xây dựng. Theo tính toán, sau khi Nhà máy xi măng Nam Đông đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào ngân sách địa phương mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Hiện nay, huyện Nam Đông đang phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đường La Sơn - Nam Đông, đường 74, cùng một số dự án thuỷ điện và các chương trình trọng điểm khác, nhằm tạo động lực mới trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.

Giai đoạn 2011-2015, Nam Đông tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Trước mắt, nông nghiệp được xác định là ngành trọng điểm nên sẽ tập trung phát triển một cách bền vững và nâng cao giá trị mỗi ha lên từ 27 triệu đồng đến 29 triệu đồng; riêng cây cao su đạt 45 triệu đồng đến 50 triệu đồng/ha; kinh tế rừng từ 40 triệu đến 45 triệu đồng/ha. Huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng, đá granit, sa khoáng, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp.

Trong lĩnh vực thương nghiệp và dịch vụ, huyện tập trung quy hoạch và phát triển nhanh các dịch vụ sản xuất kinh doanh ở những trục đường chính và khu vực trung tâm huyện, trung tâm cụm xã. Để đảm bảo hạ tầng cho phát triển, huyện đầu tư nâng cấp chợ Khe Tre và Nam Đông đạt chuẩn và trở thành trung tâm thương mại của huyện, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân. Ngành thương mại huyện đầu tư mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Huyện khuyến khích đầu tư các dịch vụ nông nghiệp, viễn thông, tin học, điện tử, sửa chữa cơ khí, vận tải, du lịch.

Ngoài việc nâng cấp các điểm du lịch đã hình thành, huyện tiếp tục khảo sát, quy hoạch và khai thác thêm một số điểm du lịch sinh thái mới, gắn với du lịch lễ hội văn hoá của đồng bào Cơ Tu. Nam Đông phấn đấu có 100% xã có hệ thống phát thanh, 100% thôn, cơ quan và 95% hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 19 triệu đến 20 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6 - 7%./.

Quốc Việt (Website Đảng Cộng sản VN)