Thầy giáo liệt 18 năm dạy tiếng Chăm không lương

10:03 AM 17/02/2011 |   Lượt xem: 2980 |   In bài viết | 

Ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh có một người thầy bị liệt hai chân, kiên trì dạy chữ Chăm không biên chế, không lương cho con em đồng bào dân tộc Chăm suốt 18 năm nay.
 

Bị “bắt” làm thầy
 

Thầy Chàm To Hiết bị bệnh teo chân từ nhỏ, không tự đi đứng được. Trước đây, thầy theo cha mẹ sống ở Campuchia ven biên giới với Việt Nam mở lớp dạy tiếng Chăm. Một số trẻ em người dân tộc Chăm ở Tây Ninh nghe tiếng đã sang đó học với thầy. Trong một lần về nhà học trò ở Tây Ninh chơi, thầy “bị” các già làng “bắt cóc” giữ lại cưới vợ cho và làm thầy giáo ở ấp Chăm từ đó đến nay.

Bà Thị Ha, mẹ vợ của thầy, kể: “Lúc mới về, cuộc sống nó khó khăn lắm, không có nhà, không có trường để dạy nên rất bị động. Mới đó mà giờ nó có tới năm mặt con rồi đó, học trò thì cả ngàn đứa không tài nào nhớ hết”.

Trường của thầy được Nhà nước xây năm 1993, ban ngày dành cho các em học tiểu học, buổi tối thầy dạy tiếng Chăm. Sau khi xã xây trường mới, trường này giao hẳn lại cho thầy. Nói là trường vậy thôi nhưng thực ra chỉ có hai phòng học hoen ố, xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Thầy kể: “Hồi mới xuống đây, cái trường Chăm này có nóc mà không có tường đâu, mình vừa dạy, vừa ở ngay trong trường luôn, thấy thầy sống một mình buồn nên các em học sinh thay phiên nhau qua sống chung cho vui. Vậy mà giờ đứa nào cũng lớn, cũng thành đạt hết”.
 

Trăm bề thiếu thốn

Nhà thầy Chàm To Hiết ở sát mé trường, cứ đến giờ, thầy đẩy xe lăn vào lớp, ngồi trên bàn vừa viết chữ lên mặt bảng, vừa dạy phát âm từng chữ một. Học trò bên dưới cả mấy chục em bi bô đọc theo.

Lớp học ban đêm nóng bức, chỉ có hai cái quạt và hai bóng đèn. Nhưng đèn đã hư mất một bóng và một cái quạt cũng không quay, thầy chưa có tiền để sửa chữa. “Mình dạy gần 20 năm rồi mà chưa bao giờ có ngày 20-11 đâu, mình cũng không biết ngày đó là gì nữa. Hằng năm chỉ có ngày tết Răm ma đan là các em mang 3 kg gạo đến biếu cho thầy thôi” - thầy Hiết tâm sự.

Duy trì tiếng Chăm
 

Thầy khiêm tốn kể: “Trong xã chỉ có lớp dạy tiếng phổ thông thôi, không có lớp dạy tiếng Chăm, chỉ có dưới phố mới có. Mình biết tiếng Chăm nên dạy học cho các em thứ tiếng mà mình biết. Nếu mình không dạy, các em chỉ biết đọc mà quên đi cái mặt chữ. Tiếng là thầy nhưng chỉ là người biết dạy cho người không biết thôi. Mình dạy không lấy tiền, ai có thì góp 1.000 đồng/buổi để mình mua phấn, trả tiền điện, ai không có thì thôi”.
 

Thầy kể tiếp: “Mình dạy cho chúng, sau này chúng giỏi, sẽ dạy thêm cho các thế hệ sau này. Như thế ai cũng tiến bộ. Đã chấp nhận làm thầy là phải dạy thôi. Nhiều hôm có một, hai em cũng phải dạy chứ thấy ít mà bỏ lớp sinh quen, lớp rất dễ vỡ. Phải dạy thường xuyên, đều đặn để tạo một thói quen cho các em tới trường”.
 

Những năm đầu mới thành lập, một mình thầy dạy hơn 300 em, phải chia ra nhiều ca trong ngày nhưng bây giờ lớp chỉ có vài chục em, thầy và ông thầy cả của thánh đường phải đi vận động các em đến trường. “Nhiều lúc học trò không vào, mình buồn lắm, được có một vài em thôi cũng phải dạy, không thôi mất lớp, rồi chiều lại phải vào nhà các em vận động bố mẹ cho học. Giờ các em chỉ thích học tiếng Kinh thôi vì các em đi làm xa, chứ tiếng Chăm chỉ cần biết nói thôi, không cần viết. Nên mình và các thầy ở đây buồn lắm. Phải tìm cách dạy và bảo tồn tiếng của dân tộc cho các em thôi.
 

Năm ngoái, có cô học trò cũ tên Ma Ri Dâm, cô này học rất khá nên mình nhờ cô ấy dạy thêm cho các em học sinh, được hai năm, rồi nghèo khó quá nên cô cũng qua Ả Rập làm ăn”.
 

Nói về học sinh của mình, thầy kể: “Thằng Chàm A Mắt sau khi đi học ở thủ đô Ai Cập về được bố trí làm việc dưới thị xã. Nó là thằng khá và thương thầy nhất, công việc bận rộn nhưng lâu lâu đi ngang qua lại ghé về thăm thầy. Lúc dạy các em, mình luôn khuyên các em rằng nghề giáo là nghề cao quý, nên nếu ai có thể dạy học được thì rất quý. Nhiều học sinh không chỉ dạy ở thôn mình, mà còn sang thôn khác dạy nữa. Bên xóm Đào Bắc, xã Tân Hưng cũng có một em học sinh của mình đang dạy học miễn phí cho các em học sinh bên đó”.
 

Mười mấy năm nay nhờ có thầy Hiết dạy cho cái chữ mà các em biết đọc, biết viết chữ Chăm, biết cách hành lễ theo truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc Chăm ở đây. (Ông Cả chùa Chàm Sợt, đại diện tôn giáo ở ấp Chăm)

Thầy Hiết sức khỏe yếu, làng sắp cho nghỉ hưu nên tui phải cố gắng thay thế. Mình phải dạy cho các em biết mặt cái chữ Chăm, chứ nếu không lâu dần như con chim vậy đó, chả biết gì đâu, lâu dần nó quên đi cái nơi sinh ra nó. Mình biết chữ thì dạy cho người không biết chữ. Mấy thầy ở đây, đặc biệt là thầy Hiết, đi dạy gần 20 năm nay mà chưa bao giờ lấy tiền. Chỉ có lúc nào đói quá, không có cái ăn thì mới kêu gọi các em giúp đỡ, người cho ngô, cho khoai, người cho gạo mà ăn.

Có thầy dạy buổi chiều tối, còn buổi sáng vẫn phải lao động, đi chặt mía, trồng sắn, buôn bán để kiếm sống chứ không có lương nên phải làm thôi. Mình không dạy là có tội, với lại mình cũng thương các em lắm. (Thầy Chàm Gia Mil, cùng dạy học với thầy Hiết)

Theo Pháp luật TPHCM