Cách giảm nghèo của Hương Khê

09:52 AM 17/02/2011 |   Lượt xem: 3446 |   In bài viết | 

Băng qua cánh đồng lúa thời con gái trong gió ban mai đầu xuân,  Bí thư Ðảng ủy xã Hương Trạch Nguyễn Thị Hảo dẫn chúng tôi  thăm các đoạn đường do  Hội Phụ nữ,  Hội Cựu chiến binh phụ trách. Ðồng chí Hảo cho biết: 'Chúng tôi đang phấn đấu sớm kiên cố hóa toàn bộ hệ thống giao thông đến từng nhà, từng ngõ'. Xã Hương Trạch có 1.165 hộ với hơn 7.200 khẩu. Trước đây, hầu hết người dân quanh năm lam lũ, canh tác theo lối manh mún, lạc hậu, số hộ nghèo luôn ở mức cao. Nhiều gia đình không có đủ điều kiện cho con em đến trường, thậm chí không có tiền khám bệnh, điều trị khi ốm đau, bệnh tật. Sau nhiều lần họp, bàn tìm phương hướng, Ðảng ủy xã đã ra nghị quyết,  hướng dẫn, vận động bà con cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, dồn điền đổi thửa ở những nơi có điều kiện, trên tinh thần cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, tiên phong. Ngoài việc mời các đoàn cán bộ khuyến nông về tập huấn kỹ thuật cho bà con, các đồng chí là đảng viên, cán bộ các đoàn thể trong thôn cũng cắt cử nhau chủ động học tập thêm kinh nghiệm làm ăn hiệu quả trong và ngoài huyện để áp dụng trên chính mảnh ruộng, vườn, ao của mình. Theo phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ mô hình điểm, Hương Trạch đã tiến đến triển khai trên diện rộng và được bà con đồng lòng hưởng ứng. Năng suất nuôi, trồng của xã năm sau cao hơn năm trước, diện tích đất canh tác đã được quay vòng nhanh hơn. Cả xã hồ hởi trong không khí của cuộc cách mạng công nghiệp hóa trong nông nghiệp, nông thôn. Năm 2010, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 1.200 tấn. Bên cạnh đó, nông dân mở rộng thêm hàng trăm ha diện tích trồng cây ăn quả, trồng rừng, trồng cây có giá trị kinh tế cao như dó trầm, áp dụng đúng kỹ thuật trong các khâu của quá trình sản xuất. Toàn xã hiện có gần 1.500 ha rừng sản xuất được trồng khép kín, trong đó có hơn một phần ba diện tích đã đến tuổi thu hoạch. Nhân dân các thôn, xóm còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ gần bốn nghìn ha rừng phòng hộ.

 Chúng tôi đến xóm Kim Sơn thăm gia đình anh Võ Ngọc Vị, từng là hộ nghèo khó, bây giờ không những thoát nghèo mà còn trở thành điển hình về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của Hương Trạch. Anh Vị cho biết: Ðược cán bộ nông nghiệp nhiệt tình hướng dẫn cách thức làm ăn, cho nên các hộ nghèo đã từng bước thành thạo, nuôi, trồng đạt hiệu quả. Nhiều hộ đã thoát nghèo, không ít gia đình đã có của ăn của để, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, có thêm điều kiện khám, chữa bệnh, con cái được học hành.

Không chỉ ở Hương Trạch, ở các xã như Phúc Trạch, Hương Ðô, Hương Trà, Hương Liên, Hương Lâm, Lộc Yên, Hương Xuân, Phú Phong... của huyện Hương Khê cũng dấy lên các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, coi trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, Huyện ủy Hương Khê đã đề ra nhiều giải pháp tích cực, kiên quyết. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác giúp dân giảm nghèo được thành lập từ huyện xuống cơ sở, phối hợp chặt chẽ  các cơ quan chuyên môn và các hội, đoàn thể mở hàng trăm buổi tập huấn cho các đoàn viên, hội viên về kinh nghiệm làm ăn, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây con, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, làm thủy lợi nhỏ, làm vườn. Các chi bộ, đảng bộ tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển các ngành nghề phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương. Các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh các xã trong huyện còn chủ động sáng tạo nhiều hình thức huy động vốn, tạo thêm kênh giúp các hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế gia đình. Không dừng lại đó, Hương Khê còn triển khai nhiều giải pháp mang tính 'đòn bẩy' để kích thích kinh tế hàng hóa dịch vụ phát triển với nhiều ngành nghề như mộc, xây dựng, cửa hoa, cửa sắt... nhằm giải quyết thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi, góp phần làm cho bộ mặt làng quê khởi sắc từng ngày. Ðã có nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất được triển khai hiệu quả trên địa bàn như Dự án nhà máy gạch tuy-nen, gạch siêu mịn ở xã Hương Bình, Phúc Ðồng, chế biến cao-su tại xã Hà Linh. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều chợ xã như chợ Hương Trạch, chợ Hôm (xã Phương Mỹ), chợ Phương Ðiền, chợ Trúc, các cơ sở thương mại, dịch vụ từ thị trấn, thị tứ đến các xã vùng sâu, vùng xa kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Kinh tế có bước tiến mới, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình, thôn, xóm, xã đã góp công, góp sức, góp tiền làm đường giao thông nông thôn và nhiều công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, giúp hàng nghìn gia đình nghèo sửa chữa và xây mới nhà ở. Hương Khê giờ đây có 75% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa,  hơn 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 20/22 xã đạt xã chuẩn quốc gia về y tế, hạ tỷ lệ hộ nghèo đáng kể qua từng năm.

Cùng với nhiều chính sách giúp dân, Hương Khê còn tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh và nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài địa bàn hỗ trợ bà con mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng và tu bổ hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống cung cấp nước sạch... Năm 2010, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai nhưng sản lượng lương thực toàn huyện vẫn đạt 23 nghìn 500 tấn, tăng hơn 4.100 tấn so với vài năm trước đó; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp ước đạt hơn 633 tỷ đồng. Hương Khê đang tiếp tục triển khai nhiều đề án như phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó chú trọng phát huy lợi thế cây bưởi Phúc Trạch, cam các loại, phát triển diện tích trồng chè, cao-su, trồng dó trầm xen trong các vườn hộ, vườn rừng...

Bí thư Huyện ủy Hương Khê   Hoàng Hữu Diễn cho biết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn thời gian qua, Hương Khê đang chủ động tập trung đổi mới công tác quy hoạch, thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trước mắt, huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, tạo bước chuyển dịch tích cực cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động gắn với xuất khẩu lao động, tích cực giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập và nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Bài và ảnh: Hoàng Lâm (Báo Nhân dân điện tử)