Ðưa nước sạch về buôn làng
09:09 AM 17/02/2011 | Lượt xem: 2675 In bài viết |Là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư phân tán và điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua tỉnh Ðắk Nông ưu tiên đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung (NSHTT) cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, đến cuối năm 2010 toàn tỉnh đã có 75% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Trên chuyến xe về xã vùng sâu Quảng Tín, huyện Ðác R'lấp, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH - VSMTNT) tỉnh Ðắk Nông Võ Văn Minh cho biết: 'Ðồng bào DTTS ở Ðắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung lâu nay vẫn quen sử dụng nguồn nước ao hồ, sông, suối hoặc nước giếng đào cho sinh hoạt. Nguồn nước không bảo đảm vệ sinh đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, thậm chí tại nhiều bon, làng thường xuyên xảy ra các dịch bệnh về đường ruột, sốt rét, đau mắt hột, các bệnh ngoài da... Ðã vậy, cứ vào mùa khô lại xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng và ngày càng gay gắt, cho nên việc xây dựng các công trình NSHTT ở nông thôn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp đồng bào có nước sinh hoạt, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống'.
Tại bon Ðăng K'liêng, xã Quảng Tín, vào thời điểm này năm 2010, cả bon thiếu nước sinh hoạt, phải sử dụng nước sông, suối. Năm nay, gia đình nào trong bon cũng có nước sạch sử dụng. Chánh Văn phòng UBND xã Phạm Văn Hải cho biết, trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt của nhân dân, Trung tâm NSH - VSMTNT tỉnh đã đầu tư bốn tỷ đồng xây dựng công trình NSHTT tại xã, công suất thiết kế 200 m3/ngày đêm. Cuối năm 2010, công trình hoàn thành, cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân các thôn 3, 5 và bon Ðăng K'liêng. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Ðiểu N'ky đúng lúc anh đang mở nước tắm rửa cho con và vợ anh đang giặt quần áo sau những ngày nghỉ Tết, Ðiểu N'ky bộc bạch: 'Trước đây khi chưa có công trình nước sạch, vào mùa khô cả bon đều thiếu nước sinh hoạt, hằng ngày bà con phải xuống tận suối Ðắk R'lấp cách nhà năm km lấy nước về phục vụ sinh hoạt, cực khổ lắm! Những năm gần đây, do nguồn nước bị ô nhiễm, cho nên khi sử dụng thường bị đau bụng, trẻ nhỏ hay bị tiêu chảy, da mọc đầy mụn đỏ, ngứa ngáy khóc cả đêm. Nhưng kể từ khi có nước sạch đến nay sức khỏe của mọi người trong gia đình tốt hơn. Tắm nguồn nước này các cháu nhỏ không còn ghẻ lở hay ngứa như trước, đêm ngủ ngon giấc hơn. Trong khi đó, chi phí tiền nước không đáng kể, tháng nào dùng nhiều cũng chỉ hết 50.000 đồng, so với việc bê quần áo đi năm km ra suối giặt, tắm rửa, gùi nước về sinh hoạt thì rẻ và khỏe hơn nhiều'. Trưởng bon Ðăng K'liêng Ðiểu Ly nói: 'Cả bon có 52 hộ thì đã có 40 hộ được dùng nước sạch, các hộ còn lại sẽ được nối ống trong mùa khô này. Có nước sạch, bà con phấn khởi lắm. Mỗi tháng chỉ trả vài chục nghìn đồng nhưng nước được kéo đến tận nhà, lúc nào cần cũng có, nguồn nước lại bảo đảm chất lượng nên các dịch bệnh liên quan nguồn nước ít xảy ra hơn. Người dân bon Ðăng K'liêng cảm ơn Ðảng, Nhà nước nhiều lắm!'.
Cách xã Quảng Tín gần 10 km, xã Ðắk Ru là địa bàn thiếu nước sinh hoạt gay gắt của huyện Ðắk R'lấp. Vào mùa khô năm ngoái, người dân phải mua nước với giá 60.000 đến 70.000 đồng/m3 về dùng, nhưng nhiều lúc không có nước để mua. Từ đầu năm 2010, Trung tâm NSH - VSMTNT tỉnh đầu tư xây dựng một công trình NSHTT tại thôn 6 của xã, tổng kinh phí hơn bốn tỷ đồng. Anh Bùi Ngọc Hân, cán bộ quản lý, vận hành công trình nước sạch xã Ðắk Ru, cho biết: "Công trình được đưa vào sử dụng đầu năm 2010, cấp nước sinh hoạt cho 128 hộ và một trường mầm non. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân rất lớn, nhưng công trình đã hoạt động hết công suất thiết kế 200 m3/ngày đêm, không thể kết nối thêm được nữa. Ðể đáp ứng nhu cầu nước sạch cho nhân dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị Trung tâm NSH - VSMTNT tỉnh đầu tư nâng cấp công suất lên gấp hai lần, nhưng do khó khăn về kinh phí nên phải chờ đợi". Trong những tháng mùa khô hiện nay, khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra gay gắt ở nhiều nơi thì những hộ được hưởng lợi từ những công trình NSHTT hết sức phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Ðạt ở thôn 6 cho biết: 'Gia đình tôi từ tỉnh Tiền Giang lên đây lập nghiệp hơn mười năm nay, năm nào cũng vậy, vào mùa khô tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra từ bốn đến năm tháng, làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Từ khi Trung tâm NSH - VSMTNT tỉnh xây dựng công trình NSHTT cấp nước sạch, nhân dân không phải lo lắng về nước như trước nữa. Mong sao công trình sớm được nâng cấp để cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều người hơn'.
Thăm Trường mầm non Hoa Ðào, xã Ðắk Ru nằm ngay bên cạnh công trình nước sạch đúng vào lúc các giáo viên hướng dẫn các cháu vệ sinh cá nhân, như rửa chân, tay, đánh răng... Nhìn các cháu vui đùa bên dòng nước mát trong lành, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường phấn khởi kể: 'Những năm trước đây, cứ vào mùa khô là giếng nước trong vùng đều cạn, cho nên các giáo viên phải góp tiền mua nước về sử dụng, tắm rửa cho các cháu hằng ngày. Ðể tiết kiệm nước, nhà trường tận dụng nguồn nước rửa rau để lau nhà. Chia sẻ khó khăn với nhà trường, nhiều phụ huynh khi đưa con đến học còn chở theo can nước 20 lít để giáo viên nấu ăn, tắm rửa cho các cháu. Kể từ khi có công trình nước sạch đến nay, lúc nào nhà trường cũng đầy đủ nước sinh hoạt, góp phần giữ gìn vệ sinh trường lớp, các cháu được tắm rửa sạch sẽ hằng ngày, nên phụ huynh gửi con ở đây yên tâm hơn'.
Tại huyện Ðắk Mil, Phó Chủ tịch UBND xã Ðắk R'la Thân Văn Tiếp cho biết, đến đầu năm 2011, toàn xã có 13 thôn, 2.100 hộ thì đã có 800 hộ ở bảy thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Trong đó có 300 hộ được sử dụng nước sạch của công trình NSHTT xây dựng từ nguồn vốn Chương trình NSH - VSMTNT quốc gia. Kể từ khi công trình đưa vào sử dụng giữa năm 2010 đến nay, người dân không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt mỗi khi mùa khô tới. Bởi từ trước đến nay, Ðắk R'la là xã gặp khó khăn nhất về nguồn nước sinh hoạt ở Đắk Nông. Ðể có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân trong xã đã bỏ ra từ 15 đến 20 triệu đồng thuê khoan giếng, nhưng khi khoan xuống độ sâu khoảng 20 m là gặp đá. Một thời gian dài, vào mùa khô nhân dân trong xã buộc phải dùng nguồn nước sông, suối để sinh hoạt, nhưng những năm gần đây, nhiều con suối cũng cạn kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Lương Văn Quân ở thôn 7, xã Ðắk R'la bộc bạch: 'Trước đây, người dân chúng tôi không bao giờ dám nghĩ ở xã vùng sâu này sẽ có nước sạch sử dụng. Vậy mà điều đó đã trở thành sự thật. Ngày khánh thành công trình nước sạch này, cả thôn đều nghỉ lên rẫy đến chia vui, nhiều gia đình còn mang theo mấy con gà đến bồi dưỡng cho các công nhân thi công công trình'.
Từ khi tỉnh Ðắk Nông được thành lập (năm 2004) đến nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã ưu tiên đầu tư gần 150 tỷ đồng xây dựng được 180 công trình NSHTT tại các thôn, buôn trong tỉnh. Trong đó, Chương trình NSH - VSMTNT quốc gia đầu tư cho tỉnh 80 tỷ đồng xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng tám công trình NSHTT tại các buôn, bon đồng bào DTTS và khu đông dân cư. Mỗi công trình có công suất từ 200 đến 500 m3/ngày - đêm cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân. Nhờ đó, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã có 75% số dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy vậy, kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 90 công trình NSHTT tại các buôn, bon đồng bào DTTS được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134 hoạt động kém hiệu quả và hư hỏng, ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do đầu tư tràn lan để hoàn thành chỉ tiêu nhưng lại thiếu đồng bộ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công. Công tác quản lý, vận hành, khai thác chưa tốt, dẫn đến nhiều công trình bị hư hỏng ngay khi mới đưa vào sử dụng. Ðã hơn một năm nay, UBND tỉnh Ðắk Nông nhiều lần chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thị xã trong tỉnh tiến hành sửa chữa, khắc phục các công trình NSHTT bị hư hỏng này để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhưng theo đề xuất của các huyện thì khoản kinh phí sửa chữa lên tới hơn 22 tỷ đồng nên đến nay tỉnh vẫn chưa bố trí được. Vì vậy, các công trình vẫn nằm phơi mưa, phơi nắng, gây lãng phí lớn, trong khi người dân lại thiếu nước sinh hoạt. Nguyện vọng của số đông người dân nông thôn ở Ðắk Nông là mong muốn các cấp chính quyền trong tỉnh sớm tiến hành sửa chữa, khắc phục đưa các công trình NSHTT bị hư hỏng này hoạt động trở lại, đồng thời có phương án tổ chức quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình NSHTT đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn để cung cấp nước sinh hoạt lâu dài cho nhân dân.
Theo Nguyễn Công Lý (Báo Nhân dân điện tử)