Chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt thoát nghèo

03:07 AM 12/01/2011 |   Lượt xem: 2669 |   In bài viết | 

Ðồng bào dân tộc Chứt có 1.337 hộ, 5.923 nhân khẩu, sinh sống tại 21 xã miền núi, vùng cao thuộc ba huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch (Quảng Bình). Trong đó, tộc người Sách gồm 698 hộ, 2.824 nhân khẩu, cư trú ở 62 thôn bản của 19 xã; tộc người Rục 99 hộ, 437 nhân khẩu tập trung ở xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa; tộc người A Rem 40 hộ, 197 nhân khẩu, cư trú tại hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch huyện Bố Trạch; tộc người Mày 243 hộ, 1.212 nhân khẩu, sinh sống tại 11 thôn bản gồm ba bản tập trung và tám bản xen ghép thuộc huyện Minh Hóa; tộc người Mã Liềng 248 hộ, 1.196 nhân khẩu, sống tập trung tại bảy bản thuộc hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa.
 

Ðồng bào dân tộc Chứt sinh sống ở vùng cao, vùng sâu... bị chia cắt bởi núi non, sông suối nên đi lại rất khó khăn. Ðiều kiện tự nhiên ảnh hưởng lớn đến tập quán sinh hoạt và sản xuất của bà con. Phương thức sản xuất của đồng bào còn thô sơ và lạc hậu theo phương thức canh tác chặt - đốt - cốt - trỉa. Kinh tế lạc hậu, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 144 nghìn đồng/tháng, tỷ lệ đói nghèo chiếm đến 76% (số liệu thống kê năm 2009).
 

Với mục tiêu giúp đồng bào dân tộc Chứt định canh, định cư, ổn định cuộc sống, những năm qua, Ðảng, Nhà nước và các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chính sách, hỗ trợ, ưu đãi cho bà con. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn đồng bào sinh sống, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều chương trình và dự án như chương trình 135, 134; dự án định canh, định cư; chính sách trợ giá, trợ cước; cho vay vốn ưu đãi và các hỗ trợ khác về giáo dục, y tế, văn hóa... Tổng mức kinh phí hỗ trợ hơn 37,7 tỷ đồng. Riêng huyện Minh Hóa, nơi sinh sống của nhiều tộc người Rục, Mày, Sách được hưởng những ưu đãi từ Nghị quyết 30a của Chính phủ hỗ trợ cho 63 huyện nghèo trong cả nước nhằm thoát nghèo nhanh và bền vững.
 

Từ những chương trình, dự án này, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm chợ đồng loạt triển khai xây dựng, bộ mặt thôn bản nơi đồng bào dân tộc Chứt định canh, định cư có nhiều thay đổi đáng kể. Ðời sống đồng bào dù còn nhiều khó khăn nhưng đã được cải thiện, từng bước thoát khỏi phương thức canh tác tự cung, tự cấp. Bà con đã tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, hình thành nên những cụm, bản dân cư ổn định và sản xuất được lúa nước. Người dân có ý thức hơn trong vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng nhiều.
 

Ðề án 'Hỗ trợ phát triển dân tộc Chứt' giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 được thực hiện tại 20 bản tập trung và 53 bản xen ghép thuộc 21 xã miền núi, rẻo cao của ba huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa. Mục tiêu là nâng cao mức sống cho đồng bào, từ nay đến năm 2020, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ngang bằng với nhân dân các địa phương khác trong tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người trong nhóm dân tộc Chứt, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc...
 

Ðể thực hiện tốt các mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt, tỉnh Quảng Bình huy động và phát huy cao nhất mọi nguồn lực, trong đó chú trọng đặc thù, phong tục, tập quán sản xuất... nơi mỗi tộc người sinh sống. Dự kiến, nguồn vốn để triển khai đề án là 166.475 triệu đồng, trong đó ngân sách T.Ư 103.472 triệu đồng, ngân sách địa phương 13.402 triệu đồng, các nguồn vốn lồng ghép khác 49.583 triệu đồng.
 

Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống định canh, định cư của đồng bào. Các địa phương xây dựng mới và nâng cấp 23 công trình giao thông, 17 công trình nước sinh hoạt phục vụ 549 hộ đồng bào và cung cấp nước sản xuất khoảng 17 ha lúa nước, 10 công trình điện thắp sáng, 13 nhà văn hóa, 12 nhà lớp học gồm 32 phòng học và 24 nhà nội trú cho giáo viên. Trong lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ đồng bào khai hoang 279 ha đất sản xuất; tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT; tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cắm bản; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp... qua đó, giúp đồng bào tiếp cận với phương thức sản xuất mới. Tiếp tục tạo chính sách hợp lý trong vấn đề giáo dục, đào tạo nhằm thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, lâu dài. Ngoài các vấn đề cấp thiết về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số; bảo đảm cho đồng bào tiếp cận được các phương tiện thông tin hiện đại; đưa văn hóa thông tin về cơ sở nhằm nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân, kết hợp việc sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của các tộc người trong nhóm dân tộc Chứt.

Hương Giang Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/