Cồng chiêng của người Ba Na Kriêm trước nguy cơ mai một
03:15 AM 12/01/2011 | Lượt xem: 3353 In bài viết |Đối với đồng bào Ba Na Kriêm ở Vĩnh Thạnh, cồng chiêng gắn bó chặt chẽ với số phận mỗi người từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành qua lễ thổi tai, lớn lên theo tiếng cồng chiêng của hội mùa, hội chọi trâu, mừng lúa mới, đám cưới để xây đắp hạnh phúc. Và khi giã từ trần thế, tiếng chiêng vang tới tận trời xanh tiễn biệt người chết về với Giàng. Cồng chiêng bắt mạch, bám rễ vào đời sống của mỗi người, giúp cộng đồng Ba Na đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách hay cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc.
Trong đội cồng chiêng truyền thống của người Ba Na không thể thiếu những chiếc trống Chơ gút. Trống không đánh bằng dùi, mà vỗ bằng tay, do một người mang trống trước ngực dẫn đầu (chỉ huy) dàn cồng chiêng, âm thanh của nó rộn rã, đầm ấm, mặt trống thường làm bằng da dê núi hoặc da bò. Đánh trống Chơ gút là cả một nghệ thuật vì trống chỉ huy cả đội hình cồng chiêng, và các cô gái nhẹ nhàng múa Xoang theo tiếng gọi rộn rã của trống.
Thông thường đội hình thường đi theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, quay tròn theo cây nêu ngoài sân hoặc khu vực trước nhà Rông. Những bộ cồng chiêng quý phải có tiêu chuẩn: âm thanh đẹp, âm trầm vang xa, âm cao lảnh lót, đánh liên tục mấy ngày, mấy đêm vẫn không bị rè, méo tiếng, chùng âm. Theo các già làng thì mỗi bộ chiêng như thế trước đây phải đổi bằng 50 - 60 con trâu lớn.
Người Ba Na đánh chiêng trong nhiều dịp lễ hội nhưng đặc sắc nhất là tại lễ đâm trâu. Trong những ngày này, dân làng cúng tế trời đất, các vị thần linh và cũng là ngày hội của âm nhạc, thể hiện sức mạnh tinh thần của cộng đồng.
Có vai trò và giá trị văn hóa to lớn như vậy nhưng hiện tại cồng chiêng của người Ba Na Kriêm ở Vĩnh Thạnh đang giảm dần cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật trình diễn. Trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, cồng chiêng Ba Na Kriêm Vĩnh Thạnh đang dần chững lại.
Số lượng cồng chiêng hiện còn lại tại các bản làng không nhiều lại không tròn bộ. Phần lớn chỉ là những chiếc chiêng lẻ, không hợp thành dàn và dễ bị đem mua bán đổi chác. Việc tuyên truyền cho đồng bào ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của cồng chiêng vẫn còn rời rạc; công tác hỗ trợ để người dân bảo lưu cồng chiêng còn yếu kém.
Sự mất dần của cồng chiêng trong đời sống văn hóa, tinh thần người Ba Na Kriêm sẽ dẫn đến những hệ quả rất khó lường, đó là điều có thể tiên lượng. Để không xảy ra tình trạng này, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như sự đồng lòng giúp sức của người dân.
Long Vũ (Nguồn: kinhtenongthon.com) [TT: H.T.N]