Nên có đề án về kiểm soát chất lượng dân số đồng bào vùng dân tộc
10:22 AM 18/02/2011 | Lượt xem: 3341 In bài viết |Tại Hội thảo chuyên đề công tác DS-SKSS đồng bào dân tộc thiểu số vừa được tổ chức tại Lào Cai vừa qua, vấn đề mà các nhà khoa học và quản lý đặt ra là, tính chính xác của các số liệu thống kê về mức sinh thay thế, tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT)… chưa thuyết phục. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào?
Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ) là 2,03 con thì ở các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mức sinh còn rất cao.
Ông Trần Xuân Giong – PGĐ Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Si Ma Cai, Lào Cai cho biết: Theo số liệu được báo cáo tổng hợp từ tuyến xã gửi lên, người dân trong tuổi sinh đẻ áp dụng BPTT đạt được 75 – 80%. Tổng tỉ suất sinh thô, tức là số con trung bình của một phụ nữ ở Si Ma Cai cũng khoảng 2,7%. Theo quy luật, nếu tỉ lệ áp dụng BPTT đạt 71% thì địa phương đó sẽ đạt được mức sinh thay thế (2 con/phụ nữ). Như vậy, chắc chắn con số thực tế chỉ đạt 50 – 55% người dân độ tuổi sinh đẻ áp dụng BPTT. Tương tự như vậy, số con thứ 3 được báo cáo là 25,1%, nhưng trên thực tế còn cao hơn.
Theo ông Giong, loại trừ sai số cho phép, sở dĩ con số thực và báo cáo vênh nhau như vậy, một phần là do những người làm công tác thống kê chưa chính xác. Đặc thù của chị em phụ nữ miền núi là nhiều người không thích đặt vòng tránh thai vì khi leo núi, họ có thể bị đau bụng, rong huyết. Vì thế, sau một thời gian, họ muốn thay đổi BPTT. Một phụ nữ thay đổi từ đặt vòng sang tiêm/cấy thuốc chẳng hạn, có thể được tính là 2 ca áp dụng BPTT. Một phụ nữ trên 49 tuổi, tức là bước qua độ tuổi sinh đẻ nhưng vẫn có tên trong danh sách đang áp dụng BPTT. Tại cuộc khảo sát ở xã Sử Pán, có những chị vẫn có tên trong danh sách đặt vòng, nhưng đối chiếu sổ quản lý theo hộ gia đình thì lại không có tên. Hai năm trước, khi bộ máy ngành dân số có sự xáo trộn, đã rất nhiều cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn vững chuyển công tác. Giờ đây, nhiều cộng tác viên thôn bản được chuyển ngạch sang là y tế thôn bản, làm công tác thống kê nhưng trình độ có hạn nên chuyện sai số là không tránh khỏi.
Tương tự như vậy, ở Sơn La, ông Sa Văn Khuyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số cũng cho biết đã kiến nghị rất nhiều lần về vấn đề thống kê báo cáo còn chưa chính xác này. Đây không chỉ là sai số mà nếu không có số liệu thật, sẽ không đánh giá đúng thực chất, đưa ra các chỉ tiêu hàng năm ảo, đầu tư không thích đáng. Ví dụ như tỉ suất sinh thô ở Sơn La theo thống kê là 18,9% nhưng theo Tổng điều tra DS lên tới 22,7 – 23,6%. Sơn La có 206 cán bộ y tế thôn bản, nhưng trong đó chỉ có 61 người là những người làm lâu năm, giàu kinh nghiệm. Còn lại đều là những người mới. Ngoài hạn chế về trình độ của cán bộ dân số ở cơ sở, còn có lý do xuất phát từ ý thức chủ quan của họ. Đãi ngộ quá thấp, người được tuyển dụng họ chỉ có lương cơ bản, người hợp đồng được lương tối thiểu, cộng tác viên được trả 100 nghìn đồng/tháng. Họ không thể dựa vào đó để sống. Nếu một ca tháo vòng tránh thai cũ, đặt vòng mới, họ có thể ghi là 2 ca để hưởng thù lao cho 2 ca.
GS,TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cũng đưa đặt ra câu hỏi về tính chính xác của các số liệu thống kê. 10 tỉnh có mức sinh cao nhất, từ 2,55 – 3,45% đều rơi vào các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây nguyên như Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Đắc Nông, Lào Cai…. Những tỉnh này đều có tỉ lệ BPTT đạt trên 70%. Hay lấy ví dụ Quảng Trị có tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai đạt 81,58% thì đáng lẽ phải mức sinh là 1,44; nhưng theo số liệu được báo cáo thì con số này lại lên tới 2,85.
TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ cũng thừa nhận có những số liệu thống kê chưa chính xác. Bởi ông cũng đã gặp trường hợp người vợ là cán bộ dân số, chị không biết chữ nhưng lại biết vận động người dân rất tốt. Vì thế, số liệu thống kê đều do người chồng biết chữ giúp làm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, chúng ta có những số liệu chưa chính xác còn hơn là không có số liệu nào.
Phải khẳng định, chúng ta vẫn chưa có những con số thống kê chính xác về DS - KHHGĐ, nếu nói rằng, chúng ta đã đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010, thì kết quả này cũng sẽ gây những băn khoăn, nghi ngờ.
Bên cạnh đó, con số thống kê chưa chính xác còn kéo theo những hệ lụy khác. Theo ông Nguyễn Trần Lâm, Tổ chức UNESCO, các chính sách dân số đều phải dựa trên các bằng chứng cụ thể, trên các nghiên cứu định tính là các số liệu và những ý kiến phỏng vấn người dân để sáng tỏ các số liệu. Nếu không, các chính sách và việc thực thi sẽ bị chệch hướng hoặc đi theo đường mòn, mang tính phong trào.
Đến những giải pháp
Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, việc các tỉnh miền núi chưa đạt mục tiêu về DS-KHHGĐ và có số liệu thống kê chưa chính xác do nhiều nguyên nhân, rào cản: rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, sự phát triển kinh tế - xã hội thấp; bên cạnh đó là những khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế chính sách… Do đó, chúng ta cần đầu tư vật chất và con người gấp nhiều lần ở khu vực này mới hy vọng trong 5 - 10 năm tới hầu hết các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống đạt được mức sinh thay thế.
Một vấn đề cũng được các đại biểu đặt ra, đó là nên chăng Chính phủ cần ban hành Đề án kiểm soát dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để nhanh chóng đạt được mức sinh trung bình của cả nước, nâng cao chất lượng sống của đồng bào nơi đây.
TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ cho biết: Nếu năm 2011 công tác DS-KHHGĐ ở Trung ương có chuyển hướng mạnh từ số lượng sang chất lượng với thứ tự ưu tiên là chất lượng dân số, cơ cấu dân số rồi mới đến kiểm soát mức sinh thì ở các tỉnh miền núi, ưu tiên số 1 vẫn là giảm sinh, giảm nhanh tình trạng gia tăng.
Trên góc độ nào đó, các số liệu này, dù có sai số cũng vẫn có thể định hướng cho người quản lý về xu hướng tăng hay giảm của các biện pháp tránh thai. Việc hạn chế trình độ và kinh nghiệm của cán bộ y tế cũng không phải là vấn đề giải quyết một sớm một chiều. Hiện tại trên toàn quốc có khoảng 160.000 cộng tác viên dân số, chi phí phụ cấp, thù lao cho họ mỗi tháng đã lên tới 8 tỉ đồng, mỗi năm là 100 tỉ đồng, chiếm 1/7 ngân sách dành cho công tác dân số. Tới đây, Tổng cục DS – KHHGĐ sẽ đề đạt ý kiến với Quốc hội và Chính phủ về việc tăng mức thù lao này để động viên và khuyến khích họ làm việc hiệu quả, nhiệt tình hơn nữa./.
(Nguồn: Website Đảng Cộng sản VN)