Phấn đấu để có tác phẩm hay về vùng dân tộc thiểu số
09:40 AM 18/01/2011 | Lượt xem: 2546 In bài viết |Chúng ta không lấy gì làm buồn nếu như thấy chưa xuất hiện những tác giả lớn, vì các em đang phải tiếp cận một cách khá “tốc độ” với cuộc sống đương đại. Văn học là tiếng nói tự thân và cũng là tiếng nói của lịch sử. Bởi thế, hôm nay không có tác phẩm lớn, mai sau sẽ có. Nhưng đừng cho rằng tác phẩm “mỏng” là không lớn. Vấn đề là phải đánh giá đúng tác phẩm và tác giả. Thực chất văn học về đề tài miền núi đang “chùng xuống” hoặc có lúc “đứt quãng” vì lĩnh vực chính sách và lĩnh vực quản lý đang nghiêng về kinh tế. Nhà văn miền núi có thế mạnh là am hiểu về văn hoá miền núi thì cũng cần hiểu rõ tầng sâu của văn hoá đó là triết học, tâm linh...
Hoạ sĩ Hoàng Thị Chiến, dân tộc Cao Lan
Tôi cho rằng muốn sáng tác có chất lượng, người hoạ sĩ cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về phong tục tập quán, về bản sắc văn hoá dân tộc. Điều cốt lõi là người sáng tác phải biết vượt lên chính mình, thực sự tâm huyết với nghề nghiệp. Bên cạnh đó cần có sự thông cảm, chia sẻ của các thành viên trong gia đình. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa về chính sách đầu tư để các nhà văn giảm bớt khó khăn trong việc hoàn thành và cho ra mắt các tác phẩm.
Nhà thơ Nông Thị Hường, dân tộc Tày
Mỗi bụi rậm khi phát quang sẽ thành con đường. Càng đi nhiều, biết nhiều thì sẽ càng khẳng định con đường mình lựa chọn. Mỗi cây bút đều tự khẳng định được phong cách riêng của mình qua tác phẩm. Mỗi nhà văn cần phải bứt phá, vượt lên chính mình. Hiện nay, một số cây bút khi đã thành danh thì dễ bị “sa lầy” vào sự tự mãn, dễ dãi trong sáng tác. Những tác phẩm văn chương đánh mất cái tôi của mình, học đòi “cách đứng trên đôi vai người khổng lồ”. Cho dù xưa, nay, hay mai sau, người cầm bút luôn có lòng bao dung, sự cảm thông, cần có cái nhìn rộng lớn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi địa lý…
Nhà văn Trần Văn Hoà, dân tộc Mường
Đây là một vấn đề không nhỏ nhưng với trách nhiệm của người cầm bút đang làm việc cùng với đồng bào dân tộc ở Thanh Hoá, tôi thấy văn học Việt Nam nói chung, văn học viết về đồng bào thiểu số nói riêng, có những thời điểm, tác phẩm văn học đã bám sát mạch đập của cuộc sống. Nhưng thực chất theo dòng chảy của thời gian thì đâu đó, có lúc, có những giai đoạn, hầu như tác phẩm chưa song hành với sự đa dạng của cuộc sống đương đại, nhất là đối với đồng bào vùng cao. Theo tôi, nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật thì còn phụ thuộc vào yếu tố xã hội, tất nhiên trước hết là trách nhiệm của người cầm bút. Việc đánh giá tác phẩm cũng cần phải có những “cái tai thính”. Cần có chế độ đầu tư thoả đáng để những người cầm bút dám dấn thân vào sự nghiệp văn chương nghiệt ngã này. Đối với từng địa phương, nếu người quản lý biết chăm lo đến sự phát triển của đời sống văn hoá tinh thần thì địa phương đó sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và ngược lại.
Hoạ sĩ Nông Công Duy, dân tộc Tày
Tôi đã công tác ở Tây Nguyên gần 20 năm, vừa là hoạ sĩ khát khao đi tìm cái đẹp để sáng tạo các tác phẩm hội hoạ đồng thời lại là một nhà giáo, chuyển tải tới những thế hệ học trò các giá trị đích thực thẩm mỹ. Tôi nhận thấy: muốn nâng cao được chất lượng văn học nghệ thuật ở vùng miền núi dân tộc Tây Nguyên cần căn cứ vào thực tế: việc tìm tòi phát hiện bồi dưỡng được các cây bút mà người bản địa cũng rất khó khăn, cho nên vấn đề đào tạo nguồn là việc rất cần thiết. Trước kia, nổi tiếng Tây Nguyên có hoạ sĩ Su Man (dân tộc Băhnar), sau khi Su Man mất thì đến nay vẫn chưa có những người kế cận. Hoạ sĩ các dân tộc ở nơi khác đến Tây Nguyên muốn khai thác chiều sâu văn hoá như văn hoá cồng chiêng, văn hoá lễ hội…nhưng hình như cũng khó đạt được đỉnh cao của nghệ thuật. Vì vậy, việc đào tạo các văn nghệ sĩ là người dân tộc là điều cần thiết và cấp bách.
Trần Thị Nương (thực hiện) (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) [TT: H.T.N]