Tọa đàm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và nâng cao chất lượng sử dụng ngôn ngữ Khmer trên các phương tiện thông tin đại chúng khu vực Nam Bộ

09:46 AM 18/01/2011 |   Lượt xem: 3228 |   In bài viết | 
Ông Phạm Văn Thới, Vụ trưởng Vụ địa phương III cho biết “Hiện nay, các đài báo sử dụng ngôn ngữ Khmer ngày càng được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật khá hiện đại. Ngoài chương trình phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, các Đài phát thanh truyền hình tại các địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh đều có chương trình phát sóng bằng tiếng Khmer. Hầu hết các đài đã tự sản xuất được 50% thời lượng chương trình; thời gian phát sóng ngày càng tăng với nhiều nội dung chương trình phong phú phục vụ nhu cầu của đông đảo bà con Khmer tại khu vực Nam Bộ. Tính đến thời điểm hiện nay, vùng ĐBSCL đã có 7 loại ấn phẩm Khmer ngữ được phát hành với tổng số lượng trên dưới 15.000 bản/số, đó là các tờ: Tin-ảnh Dân tộc và Miền núi của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Cần Thơ-Khmer ngữ, Báo Khmer- Trà Vinh, Tin ảnh Trà Vinh, Báo Khmer Sóc Trăng và Báo Khmer Bạc Liêu, Báo ảnh Đất mũi Cà Mau.

Để góp phần xây dựng các kênh thông tin sử dụng tiếng Khmer, đội ngũ làm báo tiếng Khmer đã luôn luôn phát huy tinh thần yêu nghề, chịu khó học hỏi, ngày càng nâng cao trình độ nghiệp vụ. Các phóng viên, biên tập viên luôn tích cực đưa các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống; cổ vũ phong trào đại đoàn kết dân tộc cùng phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng và cả nước.

Ngoài những thành quả đạt được, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn do vấn đề về năng lực của đội ngũ này; nhìn về chiều sâu công tác biên dịch vẫn còn thiếu sự quan tâm đúng mức. Mặc dù báo chí tiếng Khmer chủ yếu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Khmer nhưng trình độ, năng lực của một bộ phận biên dịch viên còn hạn chế; Trong khi đó giữa các cơ quan quản lý chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, trao đổi nhất trí với nhau về những từ ngữ Việt-Khmer khó dịch.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đưa ra những bất cập, và đề xuất ý kiến làm thế nào bảo tồn và phát huy hơn nữa Khmer ngữ. 

* Ông Thạch Mu Ny, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đưa ra ý kiến: cần sử dụng tiếng Khmer tùy theo ngữ cảnh, ngôn từ sử dụng phải phù hợp. Tiếng Khmer rất đa dạng, tại Campuchia, người ta sử dụng rất thành thạo, với những từ thông thường, từ bác học, từ trừu tượng. Chính vì thế, để sử dụng đúng và phong phú ngôn ngữ này thì phải có tính pháp lý và phổ biến. Các kênh truyền hình cần thống nhất một hệ thống các thuật ngữ, thống nhất tên các cơ quan, các từ mang tính phổ biến. Bên cạnh đó ngôn ngữ phải phù hợp với đủ mọi đội tượng khác nhau về trình độ trong xã hội

* Thượng Tọa Lý Hùng, Phó hội trưởng hội đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ: Ngôn ngữ Khmer có từ lâu đời, nếu không thông hiểu một cách sâu sắc thì sẽ làm cho nó mai một đi. Trong khi đó công tác dạy chữ Khmer còn rất nhiều hạn chế; vì vậy Cần tích cực phổ cập Khmer ngữ cho các em. Cần có riêng một kênh giảng dạy tiếng Khmer trên phương tiện truyền thông; xây dựng thư viện sử dụng tài liệu bằng ngôn ngữ Khmer; đồng thời, học thêm những từ mới của nước bạn - Campuchia và sách vở để bổ sung kịp thời.

* Bên cạnh đó, các đại biểu còn đóng góp ý kiến, đề nghị: tăng cường thời lượng phát sóng tiếng Khmer; thành lập nhóm nghiên cứu, tọa đàm với những cán bộ lâu năm có kinh nghiệm  làm báo tiếng Khmer để dịch những từ khó nhằm phục vụ thiết thực cho công tác biên dịch.

Tham gia nhóm tọa đàm gồm các biên tập viên các cơ quan báo chí có sử dụng tiếng Khmer và một số cán bộ hưu trí am hiểu về từ ngữ Việt-Khmer. Nhóm này định kỳ dự tòa đàm, trao đổi nhất trí với nhau về các từ ngữ mà tổ nghiên cứu đưa ra. Nhóm tọa đàm có nhiệm vụ triển khai, thực hiện trong đơn vị những từ ngữa mà cuộc tọa đàm đã nhất trí. Định kỳ tổ chức tọa đàm 6 tháng một lần.

Lê San