Về Trà Vinh vui lễ hội Ok- om- bok
09:00 AM 22/11/2010 | Lượt xem: 2980 In bài viết |Đến hẹn lại lên, hàng năm vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch, hàng vạn người dân ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh Trà Vinh đổ về khu di tích văn hoá Ao Bà Om nơi diễn ra lễ hội Ok- om- bok để trẩy hội. Nếu về Trà Vinh đúng vào ngày này, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi hòa mình trong sinh khí tràn ngập cờ hoa; tiếng nhạc ngũ âm cùng tiếng hò reo, cổ vũ các trò chơi dân gian như: kéo co, đập nồi, đẩy gậy… cộng thêm tiếng loa phóng thanh bằng hai thứ tiếng Việt- Khmer tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt đậm chất lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer.
Lễ hội Ok- om- bok hay còn gọi là lễ cúng trăng, được tổ chức định kỳ đúng vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Đây là một trong ba lễ chính hàng năm của tộc người Khmer Nam bộ, gồm: Tết cổ truyền Chôl- Chhnam- Thmây, Sêne Đolta và Ok- om- bok. Theo truyền thuyết, nhằm ghi nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi như một vị thần điều động mùa màng, mưa nắng trong năm giúp họ ấm no, hạnh phúc, lễ cúng trăng được tiến hành như sau: đúng vào đêm rằm tháng 10 Âm lịch, trước khi trăng lên đỉnh đầu mọi người trong phum sóc tập trung tại khuôn viên chùa hay khuôn viên nhà - nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng. Tại đây, họ xây dựng một cái cổng (hai trụ thường làm bằng trúc) có trang trí hoa lá, dưới cổng đặt 1 cái bàn đặt các sản vật như: chuối, dừa, khoai, cốm dẹp (sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp). Khi trăng lên cao tỏa sáng, người chủ lễ (cụ già) bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái nói lên lòng biết ơn của họ đối với vị thần mặt trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh…Cúng xong người chủ lễ ngồi chắp tay hướng về mặt trăng, lấy cốm dẹp và các vật cúng khác mỗi thứ một ít đút cho con cháu, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng con cháu và hỏi những ước nguyện của con cháu họ...
Trà Vinh là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nên Ok- om- bok được công nhận là một trong lễ hội cấp tỉnh, tổ chức hàng năm với qui mô lớn, gồm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại. Từ đó, ngày càng thu hút nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó có một bộ phận Việt kiều hàng năm về thăm quê vào dịp lễ hội. Nhằm khuếch trương, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người Trà Vinh với bạn bè gần xa, hàng năm vào dịp lễ hội Ok- om- bok Trà Vinh có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: Tổ chức Hội chợ triển lãm Thương mại- Du lịch, Hội thảo xúc tiến việc làm, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa…; đặc biệt, tổ chức đua ghe Ngo trên sông Long Bình- con sông đẹp nhất của TP. Trà Vinh.
Đêm lễ hội chính thức bắt đầu đúng vào lúc mặt trời chuyển hẳn về hướng Tây, khuất dần dưới rặng cây cổ thụ cả trăm năm tuổi tại ao Bà Om nhường chỗ cho thần Mặt trăng soi sáng. Lễ hội có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ, các sở, ban, ngành, các vị sư sãi của 141 chùa Khơ me trong tỉnh cùng hàng vạn người đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đa phần là đồng bào dân tộc Khmer. Thông thường, sau phần lễ, Ban tổ chức tặng quà cho trẻ em Khmer nghèo hiếu học; tổ chức sân khấu hoá lễ hội Ok- om- bok, biểu diễn văn nghệ, diễu hành, thi trang phục dân tộc, thi thả đèn gió…Dưới ánh trăng huyền ảo của đêm rằm, những ngọn đèn gió được thả bay bổng lên bầu trời cao lồng lộng, mang cả niềm tin của hơn 300.000 người Khơ me sinh sống ở Trà Vinh vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho họ.
Cứ thế, đêm hội kéo dài gần như bất tận, đến khi thần Mặt trăng chuyển hẳn về hướng Tây, mọi người mới lưu luyến chia tay nhau, trở về với cuộc sống thường nhật và hẹn gặp lại nhau ở mùa lễ hội Ok- om- bok năm sau đông vui hơn./.
(Theo TTXVN) [TT: NTV]