Người thổi hồn văn hóa Chăm vào thổ cẩm
10:27 AM 13/11/2010 | Lượt xem: 2957 In bài viết |Chị Thuận Thị Trụ,- nghệ nhân được tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng thổ cẩm Việt Nam” là người đã có công sưu tầm hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm đang có nguy cơ thất truyền và đã cách điệu ra thêm khoảng 50 hoa văn khác. Công ty dệt may thổ cẩm Inrahani do chị thành lập là công ty thổ cẩm đầu tiên ở Việt Nam chuyên chế tác hàng thô thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống như: váy áo, túi xách, ví, thắt lưng, khăn trải bàn… góp phần đưa thổ cẩm Chăm đến với cộng đồng và các nước trên thế giới.
Khát vọng thổ cẩm
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ sinh ra và lớn lên ở làng Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận. Nghề dệt thổ cẩm ở đây được xem là nghề “mẹ truyền con nối”, con gái lớn lên phải biết dệt vải, đó là tiêu chí để đánh giá con gái đã trưởng thành. Chị cũng như bao cô gái dân tộc Chăm khác, ngay khi còn nhỏ đã được tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ bà, mẹ của mình. Lúc 14-15 tuổi, chị đã có thể tự dệt cho mình những tấm vải để may quần áo và đồ dùng cá nhân. Chị mê dệt vải từ ngày ấy và có thể suốt ngày ngồi bên khung dệt.
Ngày trẻ, chị là cô giáo mầm non xinh đẹp, hát hay, múa giỏi. Ngày ngày đến lớp giảng dạy văn hóa cho các em nhỏ trong làng, đêm về chị lại ngồi vào khung dệt. Chị kể, ngày trước dệt thổ cẩm của người Chăm làm ra chủ yếu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày và trong lễ hội ở địa phương. Cách dệt rất đơn điệu. Vốn mê khung dệt từ nhỏ nên với tôi, giữ được nghề truyền thống của cha ông là cần thiết rồi, nhưng phải làm sao đa dạng được mẫu mã và giới thiệu rộng rãi để mọi người biết đến, điều đó khiến tôi luôn trăn trở.
Lối rẽ đến với chị thật bất ngờ khi chị được gặp những người khách du lịch nước ngoài, được trò chuyện với họ, chị mới biết họ rất thích thổ cẩm Việt Nam. Từ đó, chị lại càng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Lúc ấy nghề nuôi dạy trẻ không đủ sống nên chị đã mở một cơ sở tại làng và mời các phụ nữ khác trong làng hợp tác. Vạn sự khởi đầu nan khi chị liên tục gặp thất bại vì hàng làm ra không đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ, không bán được. Dần dần, chị tự nghiên cứu nắm bắt nhu cầu đa dạng từ thị trường cũng như khách du lịch và nghĩ ra mẫu mã mới. Năm 2000, Công ty thổ cẩm Inrahani ra đời, do chị làm giám đốc, giải quyết việc làm cho 200 phụ nữ nghèo ở Mỹ Nghiệp. Đây là công ty thổ cẩm đầu tiên của Việt Nam và chị là người tiên phong trong phong trào phục hồi nghề dệt thổ cẩm trong cả nước.
Chị Trụ tâm sự: “Tôi đang nghiên cứu các bức phù điêu Chăm để đưa vào thời trang thổ cẩm. Vương quốc Chămpa ngày trước nổi tiếng về điêu khắc, nghệ thuật múa, hát. .. Vì thế, tôi muốn thể hiện bản sắc Chăm trên mỗi sản phẩm của Công ty”.
Góp phần đưa thổ cẩm đến với cộng đồng
Làng Mỹ Nghiệp- quê hương chị là một trong những cái nôi của thổ cẩm Chăm. Trước năm 1975, chị em tận dụng giờ nông nhàn để sản xuất. Hàng dệt chỉ gồm các sản phẩm thô, chủ yếu được bán cho đồng bào Tây Nguyên như: Ê-đê, Chu ru, Cơ-ho, Raglai... một số ít dùng phục vụ trong các lễ hội, lễ tục ở địa phương. Sau 1975, nghề dệt Mỹ Nghiệp ngưng hoạt động bởi thiếu nguyên liệu. Từ 1985, nghề mới hồi phục trở lại do nhu cầu của phong tục. Nhưng nhìn chung, việc tổ chức sản xuất còn mang tính gia đình, tự cung tự cấp. Chỉ từ khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani ra đời, hàng dệt thổ cẩm của dân tộc này mới phát triển và được nhiều người biết đến.
Năm 1992 được xem là mốc hồi sinh của nghề dệt thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm của nghệ nhân Thuận Thị Trụ thành lập. Không dừng lại ở sản phẩm thô, Công ty còn chế tác ra những mẫu mã mới phục vụ khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển. Việc chuyển từ hàng thô thành hàng chế biến là một bước đi mang tính quyết định cho thổ cẩm Chăm. Đến nay, Công ty đã sở hữu hơn 300 mặt hàng thổ cẩm như: ví, túi, balô, quần áo, drap phù hợp với thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi. Sau thành công với thổ cẩm Chăm, chị lại chuyển sang nghiên cứu thổ cẩm của các dân tộc miền núi các tỉnh phía Bắc nhằm làm phong phú sản phẩm và đưa vào thị trường. Tại các hội chợ triển lãm, khi thấy hàng thổ cẩm Chăm bán được, trong khi hàng của các dân tộc khác như Thái, Mông... thì ế ẩm, chị bắt đầu nghĩ cách mua mặt hàng thổ cẩm của các dân tộc về bán cho các shop ở thành phố. Kết quả là hàng thổ cẩm dân tộc Thái bán chạy không thua hàng Chăm.
Nhờ đam mê thổ cẩm mà chị đã có cơ hội đặt chân đến 10 nước trên thế giới. Nhiều nước đã thuê chị về trình diễn dệt vải và giải thích về nét đẹp của văn hoá Chăm. Thổ cẩm Chăm và các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng theo chân chị có mặt ở các hội chợ triển lãm lớn ở Thuỵ Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan... Trong lễ hội Hành trình di sản tổ chức tại Hội An năm 2005, chị đã kết hợp với nhà tạo mẫu Minh Hạnh tạo nên những tà áo dài truyền thống mang đậm tâm hồn Việt.
Hoàng Hiền (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 88) [TT: H.T.N]