Người đam mê nghệ thuật âm nhạc dân tộc Khmer

03:11 AM 12/11/2010 |   Lượt xem: 2563 |   In bài viết | 

Nhà không ruộng đất, hàng ngày mưu sinh với nghề cào hến, nhưng mỗi khi nghe đài hay đi ngang qua đám tiệc, lễ hội, nghe cất lên lời ca, tiếng đàn, điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer là trong lòng anh Danh Vàng lại rạo rực. Niềm đam mê ca hát cứ âm ỉ trong lòng để rồi đến năm 2000, sau bao năm tích cóp, anh Vàng bàn với vợ mua trống, đàn ghi ta, âm li... để thỏa lòng đam mê. Sắm được dàn đồ chơi đồ sộ như vậy, nhưng chỉ mình anh biết đàn ghi ta. Anh mượn thêm vài người hàng xóm lớn tuổi biết biểu diễn nghệ thuật dù kê đến đệm trống, ai biết ca hát, múa lâm thol thì đến vui chơi. Dần dần, anh Vàng phát hiện giọng hát của chính vợ mình-chị Thị Nên cũng không thua kém nếu như tập theo đàn, còn anh vợ là Danh Kiện-nhà gần đó mua đàn Organ về tự học qua đĩa CD, trên đài... Lọ mọ mất gần 6 tháng thì anh Kiện cũng “đáp ứng” đủ bộ “sưu tập” để mang tiếng đàn, lời ca tiếng hát phục vụ bà con trong và ngoài xã vào dịp lễ, tết và các đám tiệc...

Anh Danh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết: “Do xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, hơn nữa trên địa bàn không có sân chơi nên trước đây thanh thiếu niên hay rượu chè rồi gây rối trật tự. Từ khi đội văn nghệ của anh Danh Vàng ra đời, tình hình an ninh trật tự đã giảm hẳn. Loại hình nghệ thuật này rất bổ ích đối với đời sống tinh thần đồng bào. Những ngày lễ, tết hay các đám tiệc, đội văn nghệ của anh Vàng đã góp phần tích cực để các loại hình nghệ thuật này sống mãi với thời gian”.

Chị Thị Nên (vợ anh Vàng) tâm sự: “Lúc đầu, khi quyết định mua dàn trống đàn để phục vụ, gia đình tôi phải suy đi, tính lại cả tuần lễ, nhưng thấy ông xã mê quá nên phải thuận theo. Tôi có biết ca hát gì đâu, nhưng nhờ bạn bè, nhất là anh Vàng tập luyện nên tôi đã biết hát, múa theo nhạc và đạt được nhiều giải ở hội thi, hội diễn tiếng hát dân tộc Khmer cấp huyện và tỉnh tổ chức”. Theo Danh Kiện thì, loại hình nghệ thuật này đòi hỏi phải có lòng đam mê thì mới duy trì được. “Lúc đầu học đàn, tôi thấy nản lắm, hơn nữa một số thanh thiếu niên bây giờ thích ca nhạc trẻ, nhạc ngoại thôi. Thế nhưng, khi loại hình này hình thành ngay tại ấp thì thanh thiếu niên đã có cái nhìn khác. Nhiều em đã học thuộc nhiều bài hát, điệu múa của đồng bào dân tộc và một trong số đó bây giờ là giọng ca chính mỗi khi đội văn nghệ chúng tôi đi phục vụ”- anh Kiện bộc bạch. Được biết, trên địa bàn xã hiện có 3 đội văn nghệ ca múa lâm thol, nhưng do mua sắm lâu nên một số nhạc cụ bị hỏng, các thành viên bận đi làm ăn xa nên ít họat động, riêng đội của anh Vàng thì vẫn hoạt động đều. Anh Danh Thuận chia sẻ: “Cái khó và mong muốn của các đội ca múa lâm thol bây giờ là làm sao được “Mạnh Thường Quân” hay lãnh đạo tỉnh quan tâm đến loại hình nghệ thuật này để đầu tư, hỗ trợ dàn nhạc (khoảng 15 triệu đồng) để họ có điều kiện tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn”.

Lê Sen (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 87) [TT: H.T.N]