Mỹ thuật về đề tài các dân tộc vùng cao Yên Bái: Một không gian văn hóa cần được phản ánh nhiều hơn

03:33 AM 11/11/2010 |   Lượt xem: 2553 |   In bài viết | 

Có thể nói rằng, tuy số lượng tác giả, tác phẩm không nhiều, nhưng các sáng tác đã sử dụng khá đa dạng về chất liệu như: điêu khắc gỗ, sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, khắc gỗ, sơn khắc... Nội dung các sáng tác đã bám sát được đặc thù đời sống kinh tế, xã hội, cảnh quan thiên nhiên của một miền quê có khá nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh tụ từ xa xưa, tạo nên nhiều nét đặc sắc về văn hóa trong đa dạng. Đó là hình ảnh của điệu múa khèn của người Mông, những đêm hội xòe, lễ hội Xên bản - xên mường, dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, hát giao duyên của người Tày, Nùng cùng hàng loạt các sinh hoạt văn hóa.
Những đề tài này đều được các họa sỹ cảm nhận bằng sự đam mê dưới nhiều góc độ khác nhau, rồi lột tả rất tài tình những bút pháp, thủ pháp riêng của mình. Chẳng hạn, cùng một hình ảnh về nét sinh hoạt của người Dao nhưng họa sỹ Đặng Quyết Thắng đã thể hiện trong tác phẩm của mình bằng những nét vẽ khoáng đạt, mạnh mẽ, độc đáo về bố cục trên chất liệu sơn dầu để diễn tả cái hồn của nhịp sống vùng cao.

Ngược lại, nữ họa sỹ Đào Thị Sinh lại thể hiện đề tài này bằng nét vẽ nhẹ nhàng, uyển chuyển, tinh tế, coi trọng yếu tố đa sắc màu nhưng lại rất hài hòa trên tranh lụa. Nhiều họa sỹ khác cũng bộc lộ được thế mạnh của mình để đưa đến công chúng nét độc đáo và đa dạng trong triển lãm này.

Đó là họa sỹ Nguyễn Đình Thi với thế mạnh về đồ họa, đã thể hiện trên tác phẩm một tính cách khỏe khoắn, dứt khoát nhưng rất có chiều sâu trong nội dung tác phẩm. Họa sỹ Trần Quang Minh, người nổi bật trong sáng tác tranh cổ động và lại rất có duyên trong các sáng tác có tính trên chất liệu khắc kẽm, khắc gỗ. Quách Hùng - người chuyên thể hiện đề tài dân tộc và vùng cao qua các tác phẩm tượng gỗ, phù điêu đồng mà ở Yên Bái có lẽ chưa có ai vượt qua được anh. Các họa sỹ khác như: Phạm Việt Hưng, Nguyễn Văn Sự, Trần Quang Bộ... lại thể hiện sự tài hoa của mình ở mảng chân dung đồng bào các dân tộc ít người.

Điểm rất đáng chú ý ở triển lãm mỹ thuật lần này, đó là có sự tham gia của 5 tác giả là đồng bào dân tộc ít người gồm: Vương Toàn Anh, Hoàng Thu Hằng, Hà Thị Minh Thuận, Hoàng Ngọc Duẩn và Hoàng Thị Hương. Các tác giả này đều được đào tạo chuyên môn rất cơ bản và đặc biệt là họ được sinh ra, lớn lên ở địa bàn vùng cao, được gắn bó với cuộc sống, với không gian văn hóa tộc người. Vì vậy, họ có một cái nhìn sâu rộng về cảnh quan thiên nhiên ở vùng cao và lại có được cả sự hiểu biết về vốn văn hóa của mỗi tộc người. Cho nên tác phẩm của họ chứa đựng được những yếu tố rất riêng, hấp dẫn người xem ở sự đa dạng về chủ đề tiếp cận, cách tiếp cận, các chi tiết sống động trong những góc độ cần lột tả và màu sắc của tác phẩm cũng phong phú, hài hòa hơn khi thể hiện phối cảnh không gian lớn...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công rất đáng trân trọng ở triển lãm này thì một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là cảnh sắc và không gian văn hóa vùng cao, dân tộc ít người cần được tập trung phản ánh nhiều hơn. Một đề tài rất rộng trong một phổ không gian văn hóa lớn, đa dạng, thời gian chuẩn bị khá dài và có sự tài trợ về tài chính mà chỉ có 15 tác giả, 49 tác phẩm tham gia, trong đó có nhiều sáng tác từ nhiều năm về trước thì quả là chưa xứng đáng với tiềm năng của giới mỹ thuật Yên Bái. Số lượng, nội dung của các tác phẩm chưa có sự đột phá về chất liệu, bút pháp thể hiện và mới chỉ dừng lại ở những nét chấm phá bước đầu khi đi vào khai thác đề tài dân tộc ít người và vùng cao Yên Bái.

Nhiều vùng và nhiều dân tộc với hàng loạt các sắc thái văn hóa tộc người vẫn chưa được thể hiện. Số họa sỹ là người dân tộc ít người, họa sỹ đang công tác ở địa bàn vùng cao, vùng dân tộc là khá đông, có sự hiểu biết về văn hóa vùng nhưng chưa được khích lệ tham gia sáng tác...Vì vậy, những hạn chế này rất cần được điều chỉnh bằng chiến lược phát triển trong lĩnh vực mỹ thuật ở Yên Bái để chuyên ngành mỹ thuật ngày càng phát triển và hình ảnh không gian văn hóa vùng, văn hóa tộc người ở Yên Bái tiếp tục được khai thác, phản ánh, tôn vinh dưới góc độ nghệ thuật thông qua lăng kính của giới hội họa.

Hoàng Nhâm (Theo Báo Yên Bái) [TT: H.T.N]