Thúc đẩy bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

04:31 AM 10/11/2010 |   Lượt xem: 3044 |   In bài viết | 

Sau đó, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, diễn đàn của trung tâm ra đời để phục vụ, giới thiệu và quảng bá những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, giao lưu hội nhập hôm nay. Ba năm sau ngày thành lập, trung tâm tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa dân tộc với tên gọi mới là Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, và là thành viên thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Nhớ buổi đầu thành lập chỉ có khoảng mười người, nhưng mười năm qua, trung tâm đã hoạt động tích cực và trở thành nơi hội tụ đông đảo giới trí thức khoa học xã hội, văn nghệ sĩ tâm huyết với văn hóa dân tộc.

Ðối với sự nghiệp nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Trung tâm và Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tạo được những dấu ấn riêng. Trung tâm đã liên kết với các bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố thực hiện các công trình về văn hóa, nghiên cứu về văn hiến và danh nhân của các địa phương; liên kết với các nhà hát nghệ thuật truyền thống để bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc; phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện 'Dự án sân khấu học đường' nhằm đưa nghệ thuật dân tộc đến với thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu nghệ thuật truyền thống của ông cha, biết trân trọng những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc, gần đây là phục hồi nghệ thuật bài chòi trên miền bắc. Trung tâm phối hợp một số nhà xuất bản và địa phương phát hành sách, tài liệu nghiên cứu văn hiến và các loại hình diễn xướng: tuồng, chèo, quan họ, múa rối nước... được dư luận hoan nghênh. Từ năm 2004 đến nay, hằng năm Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp kinh phí để trung tâm thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp bộ: nghiên cứu về nghệ thuật múa rối, hát quan họ, danh nhân Ðào Tấn, nghệ thuật tuồng, nghệ thuật cải lương và nhiều công trình khác. Trung tâm trực tiếp thực hiện dự án 'Phục hồi nghệ thuật Bài chòi trên miền bắc', phục hồi hát xẩm Hà thành, phục hồi đàn Lạc cầm Mác Tuyên để biểu diễn chào mừng Ðại lễ và thực hiện tuyển tập kịch bản 1.300 trang về Bình Ðịnh - Tây Sơn với Thăng Long - Hà Nội. Mới đây, trung tâm tổ chức thành công 'Ðêm cầm thi giang' hò sông nước ba miền tại TP Cần Thơ, hướng về Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ðó là một trong những đóng góp thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tạp chí Văn hiến Việt Nam, từ chỗ xuất bản một kỳ/tháng, nay đã xuất bản ba kỳ/tháng, được dư luận, giới trí thức, văn nghệ sĩ và bạn đọc quan tâm, đón nhận và đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức. 

Hiện nay, trung tâm tiếp tục phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn mở rộng  thực hiện 'Dự án Sân khấu học đường' làm cơ sở đề nghị Nhà nước đưa sân khấu truyền thống trở thành môn học chính khóa của các trường trung học cơ sở trong cả nước. Với chức năng nghiên cứu về văn hóa dân tộc, nhưng lâu nay, trung tâm chưa tập trung nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số, do đó, thời gian tới, trung tâm sẽ đi sâu nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc thiểu số, trước mắt là văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên. Ðây là một đề tài quan trọng mà trung tâm đã trình để Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xem xét, cho thực hiện. Thời gian tới, trung tâm và Tạp chí Văn hiến Việt Nam sẽ mở thêm một số cơ quan nghiên cứu văn hóa ở các trung tâm văn hóa vùng đồng bằng Nam Bộ, Tây Nguyên, đặt các cơ quan đại diện tại đây để quy tụ các văn nghệ sĩ, trí thức trên khắp đất nước hưởng ứng tham gia giới thiệu về văn hóa đặc sắc của các vùng, miền; hợp tác với các tổ chức văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam qua những nét đẹp của văn hóa dân tộc ra các nước.

Theo Báo Nhân dân [TT: H.T.N]