Khi đường cao tốc qua bản

04:42 AM 10/11/2010 |   Lượt xem: 2746 |   In bài viết | 

Một xã thuần nông có nhiều tỉ phú

 

Năm 2008, sau khi dự án mới hình thành phôi thai, tại xã Yên Quang đã bắt đầu hiện tượng sốt đất. Người Hà Nội và các nơi khác tấp nập về xã mua đất, còn người dân nơi đây đua nhau bán ruộng, nương và đất liền kề. “Người dân trong xã bán đất có tính toán gì đâu! Quanh năm lam lũ, quanh quẩn với con trâu, cái cày, cả ngày lên rừng kiếm được vài gánh củi, nay có người đến trả mảnh đất chỉ bằng thửa ruộng nhỏ vài trăm triệu đồng thì bị lóa mắt. Hàng ngày, có hàng chục xe ô tô bóng nhoáng đến hỏi mua hoặc môi giới mua đất. Thấy đất đai, ruộng vườn rộng mênh mông thế này nhưng hầu hết đã đổi chủ rồi”. - Cụ Nguyễn Văn Thích ở xóm Trung Mường 1 giãi bày. Là một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống nhờ trồng trọt, chăn nuôi nhưng cuối tháng 10/2010, khi chúng tôi đến Yên Quang bắt gặp không ít ô tô, xe tay ga hạng sang chạy tấp nập khắp các xóm. “Xã có nhiều tỉ phú lắm đấy! Chỉ cần vài bước chân đất là có tiền triệu rồi. Nhà nào chưa có xe tay ga thì mua, nhà nào có xe máy cũ cũng đổi sang xe ga Airblade. Cách đây vài tháng, có đại lý xe máy ở Hà Nội chở 30 chiếc xe ga lên bán hết bay trong ngày. Tivi 21 inch trở lên, tủ lạnh hạng sang không còn là đồ dùng xa xỉ của người dân bán đất nữa. Nhiều nhà bán đất được hàng tỉ đồng tính đi gửi vào ngân hàng, nhưng không ít gia đình lại chia phần cho các con và mua sắm vật dụng gia đình là hết” - ông Nguyễn Ngọc Lan, Bí thư chi bộ xóm Rợn cho biết. Trong xã có nhiều tỉ phú như gia đình bà Đinh Thị Nghĩa, xóm Rợn bán khu đất 02 được hơn 1 tỉ đồng, gia đình anh Đinh Văn Cường ở xóm Mùn 6 bán 1 quả đồi cũng có trong tay 1,6 tỉ đồng...  

 

Dựng nhà, xây tường bao chờ... đền bù 

 

Vào xóm Rợn, chúng tôi bất ngờ bởi những dãy tường bao kiên cố và hoành tráng hơn cả những ngôi nhà lụp lụp bên trong. Chỉ cách đây chưa đầy một năm, nơi đây là những rặng dâm bụt, rặng tre uốn lượn. Bên cạnh những dãy tường xây bằng gạch nung đỏ cao đến 2 m là những ngôi nhà nhỏ, lợp prôximăng còn tươi màu vữa và không cao hơn đầu người là mấy. ở xóm Rợn gần đây có phong trào nhà nhà xây tường, người người xây nhà cấp 4, thậm chí xây ngày không xong, người ta còn xây cả buổi tối. ở ngay đầu xóm, gia đình anh Hà Văn Anh cũng đã “kịp thời” xây 400 m tường bao bọc ngôi nhà lợp ngói tuềnh toàng và đất liền kề rộng gần 1.300 m2. Đứng ngay trước cổng nhà, anh hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi biết, ngôi nhà anh nằm chính ngay tim tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - TPHB. Tranh thủ chưa có người đến kiểm đếm đền bù thì đi vay tiền xây lên vì làm nông dân mà sau này lấy hết đất sẽ rất khó khăn. Tôi vừa xây tường xong cách đây gần 2 tháng, tiền công 60.000 đồng/m2, tính cả tiền vật liệu hết 22 triệu đồng. Gia đình anh Hà Văn Hưởng cũng đã nhanh chóng khởi công, hoàn thành xây dựng 2 ngôi nhà cấp 4 chỉ trong một thời gian ngắn. Không chỉ có các gia đình trên mà gia đình anh Đinh Văn Hiến và nhiều gia đình khác cũng đã xây tường bao, nhà để chờ... đền bù. Điều đặc biệt khác lạ là có những ngôi nhà ở đây chỉ xây hết 15 triệu đồng, nhưng những bức tường dài tít tắp lại hết trên 20, thậm chí 30 triệu đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Hưng, Trưởng xóm Rợn cho biết: Xóm có 104 hộ thì 74 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, 40 hộ phải di dời nhà cửa. Diện tích đất nông nghiệp còn lại không đáng là bao, trên 5 ha so với 16,5 ha trước đây. Số tiền đền bù đất nông nghiệp ước tính khoảng 20 tỉ đồng, nhưng đây mới là số tiền trên giấy, người dân chưa được chi trả. Trong khi đó, tất cả 40 hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở đều đã thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng hoặc ứng trước với chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, chủ xe để xây tường, làm nhà. Trung bình mỗi ngôi nhà chỉ từ 20 - 30 triệu đồng, tường cao đến hơn 2m. Xóm sắp có thêm 11 hộ nữa vì các gia đình xây thêm nhà cho con và xin tách hộ. Nhiều nhà còn trồng thêm hàng loạt cây ăn quả như nhãn, vải, hồng, chuối trong vườn. Đến các xóm khác như: Trung Mường 1, Trung Mường 2, Cun, Mùn 5, chúng tôi đều gặp hiện tượng này.

Cẩm Lệ (Nguồn: Báo Hòa Bình)